Translation Assignment_week6_ “Back to Square One – A New Turning Point (11)” by Author Anita H.
Source: https://www.linkedin.com/pulse/20140910231245-307348893-back-to-square-one-a-new-turning-point-11?trk=mp-reader-card
Submission : December 12, 2014 by ENG-4-MBA_HENG_Trainee123_toungquoc.html
—
Tôi thành thực tin rằng tính cách của một đứa trẻ được xây dựng ngay từ những ngày thơ ấu trong gia đình. Tôi nghĩ người Việt Nam hiếm khi có những vấn đề tinh thần là bởi họ luôn luôn “thiết lập lại” từ những cú sốc bên ngoài bằng sự hiện diện của các thành viên trong gia đình hay bạn bè xung quanh họ. Ít ra, đó là điều tôi có được từ những trải nghiệm cá nhân. Đây là một ghi chú ngắn tôi viết về gia đình vào năm 2013, trong chuyến đi tới Đà Lạt, quê hương tôi.
TRÍCH
BTSO – Một ngày rất đặc biệt
Trong suốt 9 tháng qua, tôi có cơ hội được trở về quê nhà và thực hiện mong ước thân yêu nhất: chia sẻ những may mắn tốt lành mà tôi có cho những người dân quê kém may mắn.
Tôi đã có một ý tưởng mơ hồ về việc chia sẻ từ khi mới bắt đầu hành trình trở về. Trong quá trình lớn lên như một Phật tử, và như một cô gái của đạo Khổng, chúng tôi đã được dạy về lòng trắc ẩn từ khi còn ấu thơ. Phải chia sẻ tất cả những gì chúng tôi có cho anh chị em, và rồi cho gia đình lớn của mình – họ hàng thân thiết và anh chị em dâu rể – và còn cả hàng xóm cũng như bạn bè. Ba mẹ tôi thường để những người khách từ xa đến ngủ chung giường, ba tôi sẽ ngủ với khách nam còn mẹ tôi sẽ ngủ với khách nữ, và chúng tôi thì ngủ với trẻ con. Và vì gia đình tôi ở Đà Lạt, một thị trấn xinh đẹp với khí hậu rất ôn hòa, nên chúng tôi thường có khách quanh năm. Họ đến để tham quan thành phố, và nghỉ hè với chúng tôi, đôi khi lên đến 3 tháng, một vài người trong số đó còn đến thăm mỗi năm một lần.
Một điều tự nhiên là những người khách phương xa này thường mang theo một ít quà cho chúng tôi, ví dụ như, trái cây mà họ trồng, hay những thứ họ làm ra. Dì tôi sống ở Bảo Lộc, có một vườn trà và cây ăn trái, sẽ mang đến một trái mít từ 8 đến 10 kg, hay hàng tá bơ, hoặc một túi lớn trà. Để đáp lại, chúng tôi chào đón họ đến ở cùng, đôi khi trong nhiều tuần, mà không phải tốn tiền ăn ở. Là con gái cả trong gia đình, vai trò của tôi là đưa họ đi quanh thị trấn, giới thiệu những nơi phong cảnh đẹp, đưa họ tới chợ, và đôi khi đưa họ tới trường hay sở làm. Em gái của tôi thì sẽ làm hết những công việc mà con trai thường làm, như chở họ đi dạo bằng xe máy của nó, trèo cây hái quả trong vườn nhà tôi, mổ gà cho bữa tối, hay cả là kiểm tra các vấn đề an ninh như khóa hết cửa nẻo về đêm, thắp nến khi mất điện, hay chạy đến báo cho ba mẹ tôi ở cửa hàng dưới phố trong những trường hợp khẩn cấp, vì hồi đó không có điện thoại hay taxi. Em gái khác của tôi sẽ chăm lo những vấn đề nội bộ: giặt giũ, rửa bát đĩa, và các việc nhà khác.
Ba mẹ tôi thường về nhà khá trễ sau khi hoàn thành công việc chính thức của họ, và hướng tới cửa hàng sau giờ hành chính, và dù chúng tôi có người giúp việc, thì những người này cũng sẽ rời nhà vào ban đêm để hẹn hò cùng bạn trai một cách bí mật, để chúng tôi ở nhà một mình. Là chị cả, tôi phải đảm bảo em gái mình đi ngủ sớm và hát ru cho chúng, và nghĩ ra một vài trò chơi như là giả giọng đài phát thanh hay những lời nói của giáo viên ở trường. Về sau, khi chiến tranh leo thang, kiếm người giúp việc từ nông thôn trở nên khó khăn, nên trong nhà chỉ còn một vài người đến học việc ở cửa hàng của ba mẹ tôi và cũng là những người chơi cùng chúng tôi. Từ từ, ba mẹ tôi cũng giảm thiểu số lượng những người bạn cùng chơi này, và với tôi, dường như khi chiến tranh kết thúc, chính chúng tôi phải làm hết những công việc nhà. Dù vậy, những kỉ niệm ấu thơ của tôi được lấp đầy bởi những hoạt động cùng bạn chơi và những người giúp việc.
Bên cạnh những người giúp việc, chúng tôi thường chơi với cả con cái của những gia đình hàng xóm và anh em họ, con của dì tôi, em gái mẹ tôi.
Khá là hài hước khi hai chị em lại phát triển theo hai hướng khác nhau, dù cùng chung ba mẹ. Mẹ tôi, người đã được dạy trong trường nữ sinh tốt nhất Huế – Đồng Khánh – nhận được một nền giáo dục kiểu Pháp và một nền giáo dục nghiêm khắc của Khổng giáo. Bà truyền đam mê học tập của mình cho tôi và em ruột. Kết quả là toàn bộ năm người chúng tôi – anh trai lớn hơn tôi ba tuổi, ba em gái nhỏ hơn tôi lần lượt hai, ba và mười tuổi – đều tốt nghiệp từ những trường tư thục nước ngoài, và là nền giáo dục tốt nhất chúng tôi có được.
Dì tôi, trải qua thời thơ ấu trong vườn cây cùng mẹ của dì – vợ hai của ông ngoại tôi – đã trở thành một người sắc sảo trong thương mại, và vẫn chưa hoàn thành việc học khi chiến tranh kết thúc. Không giống mẹ tôi, người thực hiện kế hoạch hóa gia đình rất thông minh và thành công, và vì vậy chỉ có năm người con – một kích cỡ trung bình của một gia đình Việt Nam bình thường – dì tôi đã sử dụng nhiều cách kế hoạch hóa gia đình nhưng vẫn có đến tận 14 người con, thay vì năm. Tôi nhớ lại cuộc nói chuyện giữa mẹ tôi và dì ấy – mỗi khi dì có thêm một đứa ngoài kế hoạch, và cách dì đặt tên cho chúng – những đứa đầu tiên thì được gọi bằng tên đi học, nhưng từ đứa thứ 6 trở đi, những cái tên cho thấy ý định ngưng việc sinh thêm của dì, nên đứa đầu tiên được đặt là bé, rồi đứa con gái tiếp theo cũng là “bé”, vì thế đứa đầu trở thành “bé lớn”, và đứa sau là “bé nhỏ”, nhưng rồi lại thêm một đứa con gái nữa sinh ra, và danh sách tên gọi cứ tiếp tục với “Na”, “Ni”, và “No”, vv..vv..
Tôi nhớ lại sự thích thú của tôi khi đến thăm nhà họ. Những đứa em họ này nhỏ hơn tôi khoảng 10 – 15 tuổi và lớn tương đương nhau, cùng đôi mắt một mí đặc biệt là đặc trưng của gia đình dượng tôi. Về phía tôi, giống mẹ, chúng tôi đều có những đôi mắt to tròn hay hình hạnh nhân với hai mí, mặc dù chúng tôi thừa kế bàn chân “nông dân” từ gia đình ba, nhưng nhìn chung, chúng tôi đều có vẻ ngoài “tiêu chuẩn” của trẻ con Việt Nam, trong khi em họ tôi đều có chút gì đó đặc tính của “vẻ ngoài của người Hoa” với đôi mắt một mí. Nhưng vì là con nít, chúng rất dễ thương, với má đỏ và nụ cười lớn.
Tôi yêu thích việc ngồi và ngắm nhìn chúng chơi với nhau. Nó là một cách giải trí thoải mái với tôi. Điều ảnh hưởng tôi chính là tư duy liên kết của chúng, vì tiêu chuẩn sống không cho phép chúng có một người trông trẻ cho riêng từng đứa, nên chị gái lớn trở thành người trông trẻ cho đứa tiếp theo, và cứ như vậy, đứa nhỏ hơn lại trông coi đứa nhỏ hơn nữa. Khi dì tôi mất ở tuổi 53 – cũng như mẹ của dì – dì để lại 14 đứa trẻ mồ côi cho ba chúng, một người tài xế xe bus giữa hai thành phố. Nên bạn có thể tưởng tượng cuộc sống của những đứa trẻ nghèo khó khó khăn như thế nào. May mắn thay, mẹ của dượng là một bà nội rất tốt, nên bà chăm sóc cả đại gia đình, nhưng trách nhiệm kiếm tiền lại dồn lên vai đứa con cả, của 6 đứa con cuối cùng (Bé lớn nổi tiếng), người mà giờ đã là mẹ của hai bé gái.
Trở về Đà Lạt, quê hương tôi, tầm 40 năm sau, tôi không nhận ra nhiêu thay đổi như tôi rời đi năm 18 tuổi. Tôi đã mơ hồ nghĩ rằng tôi phải giúp gì đó cho gia đình dì tôi, nhưng lại không chắc BẰNG CÁCH NÀO. Sau chuyến thăm chớp nhoáng của tôi vào tháng 6, cháu gái tôi tham gia lớp học MBA của tôi, tôi hiểu rằng cách tốt nhất để giúp chúng là giúp đứa cháu gái này thành công, vì nó, sẽ lại giúp đỡ cho mẹ nó, và chị gái nó, người tôi chỉ mới quen vài ngày trước.
*****
Với sự ngạc nhiên của tôi, cả hai người cháu gái đều được nuôi dạy cực kì tốt để trở thành một người vợ hoàn hảo, cũng như tôi được dạy khi còn là một cô gái. Cả hai người đều quán xuyến việc nhà rất tốt, dù nhỏ và nghèo, nhưng gọn gàng và sạch sẽ. Em họ tôi, người đã nghỉ học từ năm 16 tuổi đã chăm sóc em gái 10 tuổi, đã làm rất nhiều việc, từ nuôi gà và heo – không mấy thành công – cho đến nấu ăn và quản lý một cửa hàng nhỏ để trang trải cuộc sống. Cô ấy thường thức dậy lúc 3 giờ sáng để chuẩn bị thức ăn mà cô bán tại cửa hàng nhỏ của mình và dành hầu hết những đồng tiền cuối cùng để trang trải bên cạnh đồng lương ít ỏi mà chồng cô mang về nhà, nếu anh ta có.
Mặc dù học phí trường công rất thấp, chỉ khoảng 2 USD một tháng, tất cả trẻ con được giáo viên khuyến khích đi học thêm tại nhà để học những chương trình học tập THỰC SỰ. Vậy nên trẻ em đến 18 tuổi, chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp phổ thông, phải dành cả ngày ở trường, đầu tiên là ở trường chính thức, và sau đó là ở nhà giáo viên. Chúng thường về nhà trễ vào khoảng 8 giờ tối hoặc muộn hơn, và không có thời gian chơi đùa.
Vào đại học là thử thách lớn nhất của bất cứ phụ huynh nào muốn con cái họ có được học vấn cao hơn. Kì thi tuyển sinh chỉ nhận chừng 10% học sinh xuất sắc nhất, nhưng với sự tham nhũng đang diễn ra, cơ hội được vào trường công càng mong manh. Nên hầu hết phụ huynh dành thời gian đưa đón con cái đến trường bằng xe máy, đợi chúng tan học rồi chở chúng tới chỗ học thêm ở rất nhiều nơi, sau đó lại chở về nhà và coi chúng làm bài tập, và còn cho chúng học thêm nhiều khóa tiếng Anh ban đêm, hay đôi lúc là cuối tuần. Làm ba mẹ thật sự khó khăn, và hơn hết, ba mẹ phải đảm bảo kiếm đủ tiền để trả cho những lớp học thêm.
Cũng như giấc mơ của hầu hết những bậc phụ huynh khác, mong muốn của em họ tôi là cả hai đứa con đều được hưởng một nền giáo dục tốt và thoát ra khỏi đau khổ bằng con đường đó chứ không phải bằng cách xếp đặt một cuộc hôn nhân như ngày xưa. Nhưng giấc mơ thì không phải là sự thực, và sự thực mà tôi chứng kiến kể nên một câu chuyện khác.
Ghé thăm gia đình người em họ kia, tôi học được một vài phát triển khác khá phổ biến ở Việt Nam ngày nay.
Hầu hết em họ tôi đã chấp nhật một cuộc sống mới ở một thị trấn nhỏ như Đà Lạt, với không nhiều khía cạnh để phát triển. Tuy nhiên, khi nền kinh tế cất cánh trong 15 năm qua, họ đều đã sắp xếp để có một công việc kinh doanh nhỏ, và một vài người còn sắp xếp để có một căn nhà xinh xắn cho gia đình. Tôi đã rất ngạc nhiên khi được lời mời từ một trong những người em họ – Bé nhỏ – người mà giờ đã là một nữ doanh nhân thành công ở độ tuổi trung niên. Nhà cô ấy giống như một cung điện, và tôi cảm thấy một cảm giác phức tạp của sự nhỏ bé thực sự khi so sánh với những trải nghiệm 30 năm ở hải ngoại của mình. Bé Na, giờ đã trở thành một chuyên gia ngân hàng trong cho vay nhà ở, và làm việc không ngừng nghỉ với những thỏa thuận làm ăn qua điện thoại. Ngay cả bé út Ni bây giờ cũng đã là Giám đốc Chi nhánh, và quản lý rất tốt cả việc kinh doanh lẫn việc nhà, cô còn gửi con mình đến những lớp tiếng Anh ban đêm và lái xe vòng quanh, một điều mà vẫn là dấu hiệu của sự xa xỉ trong thị trấn nhỏ bé này.
Là một vị khách đặc biệt ở mọi nơi, được họ hàng đón tiếp nồng hậu, tôi cảm thấy rất ấm áp khi nhìn vào cách một gia đình lớn luôn nắm chặt tay nhau đi qua những năm tháng khó khăn, vượt qua những biến động của cuộc sống. Tay trong tay, họ giúp đỡ nhau, người lớn hơn dìu dắt người nhỏ hơn qua những bước đường cần thiết của nấc thang xã hội.
*****
Bữa trưa không dự tính mà tôi có hai người trước đã dạy tôi một bài học. Bà dì của tôi, năm nay 98 tuổi, người mà mắt đã kém vì tuổi tác, nhưng vẫn luôn có một trí tuệ minh mẫn, tự hào đưa tôi đi thăm nhà mới của 13 người cháu gái. Trên hết, bà tự hào giới thiệu với tôi nhà tắm, với một không gian lớn, cho cả vòi hoa sen và chậu rửa mặt. Sinh năm 1912, bà sẽ không bao giờ nghĩ rằng với đứa con trai duy nhất – dượng tôi, người giờ đã 75 tuổi – sẽ tạo dựng một gia đình lớn với chín trong mười bốn người cháu được sinh bởi dì tôi, và rằng họ, thông qua kết hôn, mang lại thêm năm người con rể, hai nguồi con dâu, mười tám người cháu, hai chắt và rất nhiều anh em họ hàng nữa mà luôn khiến cho mỗi ngày của bà ngập tràn tiếng cười và niềm vui. Thật là một thành quả của cuộc đời. Bà nói với tôi: “Nguyên tắc của bà trong cuộc sống, là KHÔNG BAO GIỜ nợ ai MỘT CẮC, và thành quả lớn nhất đời bà là nhìn thấy gia đình lớn lên và chung sống bên nhau.”
Tôi bắt đầu có suy nghĩ ĐÓ về gia đình giữa những người em họ. Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi có cảm giác TRỞ VỀ NHÀ… về một GIA ĐÌNH MỚI, GIA ĐÌNH LỚN HƠN CỦA TÔI.
Đà Lạt, Tết 2013
HẾT TRÍCH
Tôi yêu thích việc đọc những lời dạy của Đạt-Lai Lạt-Ma. Đây là một trong số đó:
“Tình cảm của con gười là nền tảng của sự phát triển đúng đắn”
Chúc một ngày tốt lành,
Anita H.
Đọc những bài đăng khác của tôi về “nhận thức”, “tình yêu”, “sự vô thường của cuộc sống”, “thử thách”, tại http://sbitrainingsolutions.blogspot.ch/p/blog-on-linkedin-back-to-square-one-new.html
—
Translation Assignment_week6_ “Back to Square One – A New Turning Point (11)” by Author Anita H.
Source: https://www.linkedin.com/pulse/20140910231245-307348893-back-to-square-one-a-new-turning-point-11?trk=mp-reader-card
Submission : December 12, 2014 by ENG-4-MBA_HENG_Trainee123_toungquoc.html
Like this:
Like Loading...