5 Cách vượt qua bản ngã

“Chúng ta hoặc là làm mình khốn khổ, hoặc là làm mình mạnh mẽ. Hướng nào cũng tốn sức như nhau.” – Carlos Castaneda.

Bản ngã, như Juan Matus miêu tả, là một con rồng có một ngàn cái đầu. Một sinh vật hủy diệt, mù quáng buộc chúng ta phải tin rằng mình chỉ là chính mình khi so sánh với người khác. Chúng ta phung phí sức lực tin vào điều hoang đường này trong khi có thể tận hưởng cuộc sống. Vậy phải làm gì để cắt đầu con rồng đó, vượt qua bản ngã và lấy lại sức mạnh của mình?

1. Xác định động lực của bạn

Điều gì thúc đẩy bạn chấp nhận thử thách? Hầu hết chúng ta, hầu hết thời gian, đều hào hứng khám phá, học hỏi và cảm nhận. Khi kiếm tìm nguồn động lực trong cuộc sống, chúng ta sẽ đối mặt với cuộc chiến giữa con người tốt đẹp và bản ngã của mình. Bản ngã sẽ thúc chúng ta tìm động lực từ những gì mình đạt được và chiếm được, trong khi con người tốt đẹp lại muốn chúng ta học hỏi, trải nghiệm và sống. Điểm khác biệt lớn giữa động lực dựa trên học tập và động lực dựa trên thành tựu là thất bại trong việc đạt được thành tựu sẽ dẫn đến sự khủng hoảng giá trị bản thân. Tìm động lực từ học tập là cách tốt nhất để vượt qua bản ngã của mình và vượt qua động lực dựa trên thành tựu không chắc chắn. Chúng ta luôn luôn có thể học ngay cả khi không thành công!

2. Tập trung vào quá trình

Cuộc sống là một quá trình, không phải một cái giỏ thành tích. Như Ralph Waldo Emerson đã nói, “Cuộc sống là một hành trình, không phải là một đích đến.” Khi chúng ta bắt đầu hiểu về cuộc sống và bản chất thực sự của nó, chúng ta sẽ nhận ra điều thực sự quan trọng là điều chúng ta trải nghiệm trong suốt cuộc đời, chứ không phải kết quả của nó. Trong hành trình của cuộc sống, chúng ta tìm thấy tất cả những trải nghiệm đẹp đẽ và đáng nhớ. Chúng ta tìm thấy nụ cười, nước mắt, những nụ hôn và cả những rắc rối. Chúng ta tìm thấy niềm đam mê, sở thích và cả lo lắng. Trong hành trình của cuộc sống, chúng ta tìm thấy những gì ý nghĩa và màu nhiệm. Bản ngã của chúng ta sẽ tự động làm chúng ta hấp thụ thái độ đi đến nơi nào đó và đạt được gì đó. Bản ngã của chúng ta không quan tâm vào quá trình, chỉ cần nó đạt được và nó cảm thấy mình giỏi. Nếu chúng ta đi theo nó thì sẽ không bao giờ tận hưởng được khoảnh khắc hiện tại và tất cả những cuộc hành trình ta tham gia. Nếu chúng ta không đến được một nơi nào đó hay đạt được một điều gì đó, bản ngã sẽ khiến chúng ta cảm thấy vô dụng, mất động lực và mất mục đích. Vượt qua bản ngã để có thể tận hưởng hiện tại, hãy tập trung vào quá trình.

3. Đừng so sánh mình với người khác

Bản ngã sẽ luôn so sánh chúng ta với người khác. Đó là cội nguồn sức mạnh của nó, sức mạnh mà chúng ta muốn chiếm lại. Khi so sánh thành quả và những thể hiện trong quá khứ của mình với hiện tại, đôi lúc chúng ta thất bại. Đôi lúc chúng ta sẽ không thành công ở những thứ chúng ta đã từng làm hay ai đó đã từng làm. Bản ngã sẽ trừng phạt bằng cách khiến chúng ta cảm thấy thua kém và vô dụng. Giá trị bản thân sẽ bị ảnh hưởng và chúng ta mất đi cội nguồn chắc chắn của sự tự tin. Nếu chúng ta thành công và vượt qua người khác, bản ngã sẽ khiến chúng ta nghĩ rằng mình thật giỏi và bất khả chiến bại, điều mà chắc chắn là ảo tưởng. Giá trị bản thân là hoàn toàn tương đối và không bao giờ nên so sánh với người khác. Đây là điều bản ngã muốn giấu chúng ta. Tất cả mọi người đều có một giá trị không thể cân đo đong đếm. Không so sánh mình với người khác không có nghĩa là giữ một tính cách tầm thường không mục đích. Không so sánh mình với người khác có nghĩa là chúng ta nhận thức về bản thân mình, tiêu hủy những thói quen vô thức và thực sự biết chúng ta là ai.

4. Quên đi hệ thống thông thường

Chúng ta là một phần của một hệ thống, một hệ thống thống trị lớn. Cụ thể hơn, chúng ta là một phần của một hệ thống thưởng – phạt, hay như cách tôi gọi nó, tư duy thắng – thua. Từ khi còn là những đứa trẻ, chúng ta thường bị phạt khi mắc lỗi. Và nó cứ tiếp diễn khi chúng ta bắt đầu đi học, rồi học lên cấp 3, lên đại học, cho tới khi đi làm và có lẽ, tới tận lúc chết. Thiên đường hay địa ngục, thưởng hay phạt? Hệ thống này chỉ là một cách nuôi dưỡng bản ngã của chúng ta và hủy diệt hoàn toàn khả năng tự đánh giá. Bản ngã sẽ làm chúng ta thấy mình giỏi nếu chúng ta thắng và chúng ta sẽ luôn mong đợi một phần thưởng từ những chiến thắng đó. Nếu chúng ta thua và thất bại, bản ngã sẽ đánh gục ta xuống và làm ta thấy mình như con kiến ở Manhattan. Hãy quên hệ thống này đi, và chú ý rằng chúng ta không phải là những con vật trong rạp xiếc, chúng ta không cần phần thưởng để cảm thấy mình có giá trị cũng như hình phạt để mình phải học. Chúng ta là những sinh vật độc lập, đầy đủ nhận thức và ý thức. Chúng ta học từ những trải nghiệm. Phần thưởng thực sự, duy nhất mà chúng ta nên tìm kiếm là kiến thức và sức mạnh có được từ cuộc sống.

5. Đừng khoác lác

Thỉnh thoảng, chúng ta đề cập thành tích, những chuyến phiêu lưu và những mục đích của mình trong lúc trò chuyện. Chắc chắc chúng là những thứ xóa tan khoảng cách tốt nhưng nếu chúng ta muốn có thịt rồng cho bữa tối, chúng ta phải thay đổi cách mình nói. Khi nói chuyện với ai đó, bản ngã của chúng ta sẽ tự đo lường nó với người này. Khi điều đó xảy ra, chúng ta thường kể tên những nơi chúng ta đến, điều chúng ta đạt được, thứ chúng ta có, những việc ta đã làm,.. Bản ngã sẽ lấp đầy khoảng trống của cuộc trò chuyện với những thứ cá nhân, những thứ rõ ràng làm chúng ta đáng giá và có lẽ là ấn tượng, giỏi giang. Chúng ta ấn tượng và giá trị mà không cần phải nói với tất cả mọi người những gì ta đạt được, đăng lên Facebook, hay đáp trả sự khoe khoang của người khác bằng cách tự tôn vinh chính mình. Hiểu rằng thành tích của mình là của mình, chúng ta sẽ thấy những gì người khác làm không thực sự trở thành vấn đề. Chúng ta sẽ có được sức mạnh cá nhân và trở nên độc lập với bản ngã của chính mình và những ý kiến trái chiều về chúng ta!

Translated from Jose Andres Arvide‘s Article “5 Hacks to Overcome Your Ego“.