6 Mẹo để cân bằng công việc với cuộc sống

Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống thật khó nắm bắt. Nhiều người khao khát nó, nhưng dường như chỉ một phần nhỏ đạt được. Chúng ta cố gắng rồi thất bại, rồi lại cứ chạy lòng vòng trong lồng như con hamster với các khoản phải trả. Thời gian trôi qua, chúng ta bắt đầu chấp nhận rằng cách sống này không phù hợp với mình nữa, bởi vậy phải tìm kiếm một chỉ dẫn để có thể cân bằng công việc với phần còn lại của cuộc sống.

Martin Bjergegaard, một doanh nhân Scandinavia đã dành nhiều công sức phát triển bản thân, và nghiên cứu sự quan trọng của việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống, sau đó phát triển một vài gợi ý rất hay để đạt được sự cân bằng này trong thời buổi hiện đại. Trải nghiệm từ chính cuộc sống của mình đã cho Bjergegaard một niềm đam mê và một lòng tin rằng ai cũng có thể tập luyện để đạt được sự cân bằng. Hãy tham khảo 6 mẹo của ông ấy để cân bằng công việc của bạn với phần lại của cuộc sống.

Tôi sẽ là người đầu tiên chấp nhận điều này; tôi không phải lúc nào cũng cân bằng được công việc và cuộc sống. Đã có thời gian tôi làm Tư vấn Chiến lược cho một công ty tư vấn quản lý toàn cầu. Đối với tôi, đó chính là địa ngục trần gian. Một cuộc chiến bất tận chỉ để có một giấc ngủ bình thường, không có cả thời gian dành cho những người tôi yêu thương.

Cuối cùng, tới một thời điểm mà tôi còn không được ngủ. Lúc đó, chúng tôi làm việc tại thành phố Kuwait, và đóng quân ở khách sạn. Tôi vẫn nhớ có những lúc tôi đi bộ dọc hành lang vào ban đêm, cố gắng chống lại sự lo ngại và tuyệt vọng đang dâng lên. Sau 3 đêm như vậy, tôi gọi về nhà và nghỉ việc – công việc mà ai cũng bảo tôi phải tự hào.

Một thời gian sau, vào năm 2006, tôi thành lập công ty của riêng mình với 3 người bạn. Bây giờ, chúng tôi có 200 nhân viên ở các văn phòng tại London, Berlin và Copenhagen. Chúng tôi đã đầu tư vào khoảng 150 dự án start-up trên toàn thế giới, cũng như thiết lập quan hệ với hàng trăm doanh nghiệp. Tôi làm việc 45 giờ mỗi tuần, và dành 6 tuần mỗi năm để đi du lịch thế giới cùng gia đình và bạn bè.

Tôi nhận ra rằng, thực sự không quá khó để có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống, nếu như bạn áp dụng những mẹo đơn giản sau đây một cách thường xuyên.

1. Chọn một nhiệm vụ THÚC ĐẨY bạn

Không quan trọng là bạn tự kinh doanh hay làm cho người khác, điều quan trọng là bạn đặt nỗ lực của mình vào một việc ý nghĩa với bạn. Tại sao?

Bởi vì nó giải thoát rất nhiều năng lượng. Bạn sẽ không thể cân bằng tốt công việc với cuộc sống nếu như bạn không có động lực, bạn thất bại trong công việc, hay bạn phung phí thời gian. Khi bạn về đến nhà, bạn sẽ kiệt sức. Còn khi bạn làm một công việc mà bạn thực sự quan tâm, nó sẽ cho bạn năng lượng, và bạn sẽ hạnh phúc hơn với cuộc sống của mình.

2. SỐNG cho chính mình

Chúng ta thường mắc phải cái bẫy phải làm hài lòng tất cả mọi người xung quanh. Nó phản tác dụng, vì nó chỉ làm chúng ta phiền muộn, nó khiến chúng ta phải thỏa hiệp để trở nên có giá trị với người khác. Hãy tìm ra những gì bạn cần để có thể trở thành chính mình. Trong trường hợp của tôi, tôi cần đi thể hình 4 – 5 lần một tuần, đều đặn tập thiền, và đôi lúc cần một giấc ngủ trưa. Như bạn có thể tưởng tượng, mọi người thường cố gắng kéo tôi khỏi những hoạt động chăm sóc cá nhân đó (ví dụ: con gái tôi muốn chơi với tôi hơn là cùng tôi đến phòng tập), nhưng tôi đã dạy bản thân mình phải biết chăm sóc chính nó, và không có gì phải ngại cả.

3. TỐI ƯU HÓA thời gian của bạn trong “dòng chảy”

Tôi từng tối đa hóa thời giờ làm việc với lòng tin rằng càng làm nhiều giờ bao nhiêu, tôi càng thành công bấy nhiêu. Nhưng rồi tôi đã rất may mắn khi có được một vài tấm gương, dạy tôi những điều ngược lại; khi chúng ta trong trạng thái dòng chảy, chúng ta có thể làm việc hiệu quả gấp 10 lần những khi chúng ta mất tập trung. Vậy dòng chảy là gì? Dòng chảy là một trạng thái mà bạn chìm đắm trong công việc đang làm, không suy nghĩ về bất cứ điều gì khác nữa. Thời gian và không gian dường như biến mất. Nó là một trạng thái tuyệt vời, và khi nó kết thúc, bạn sẽ ngạc nhiên vì những gì mình làm được!

Hôm nay, tôi thiết kế lịch trình của mình để có được càng nhiều dòng-chảy-thời-gian càng tốt. Thường thì nó bao gồm việc đi bộ trong công viên vào buổi trưa, hoặc là một kiểu giải lao nào đó. Tôi quan niệm rằng, thật vô trách nhiệm nếu không nghỉ ngơi khi bạn cần thế. Vì vậy, tôi thường dành một vài giờ cho riêng mình để bảo vệ trạng thái dòng-chảy – ví dụ như làm việc tại nhà vào một vài buổi sáng.

4. Lên danh sách công việc cho hôm nay

N.R. Murthy, người sáng lập Infosys, chia sẻ bí mật của mình về việc cân bằng cuộc sống với công việc cho tôi; anh ấy lên danh sách việc làm cho hôm nay. Đơn giản thế thôi, và tôi cũng đã nhận ra sức mạnh tiềm tàng của công cụ nhỏ bé đó. Hầu hết chúng ta thường lập một danh sách dài những việc phải làm – danh sách bao gồm tất cả mọi thứ phải làm, cả trong tương lai gần và xa. Thật là một danh sách tốt để bạn khỏi phải nhớ những việc đó nữa, nhưng cũng thật là một ý tưởng tồi khi dành quá nhiều thời gian lên danh sách đó. Nó sẽ chỉ làm cho chúng ta cảm thấy áp lực và choáng ngợp. Hơn nữa, bạn sẽ dễ dàng quên mất một số thứ đặc biệt quan trọng.

Như Murthy, mỗi buổi sáng bạn hãy tập thói quen viết ra 2- 3 thứ mà bạn muốn làm trong HÔM NAY. Chỉ bao gồm những hoạt động cực kì quan trọng, những thứ sẽ đưa bạn tới gần những mục tiêu quan trọng. Hoàn thành chúng trước buổi trưa, và nhớ là hãy cảm thấy tốt về chúng.

5. ĐỪNG BAO GIỜ viết hay phản hồi lại những email đa cảm

Đây là một việc làm cực kì tốn thời gian trong thời buổi hiện đại; trao đổi những email dài và đa cảm. Nếu ai đó gửi cho bạn một email đa cảm, đừng bao giờ ấn “Trả lời” và phí sức vào nó. Thay vì vậy, nhấc điện thoại lên và mời họ đi uống cà phê. Nói về vấn đề đó trực tiếp. Emails là một công cụ trao đổi kinh khủng khi dính tới tình cảm. Những thứ có thể giải quyết trong vòng 10 phút nói chuyện trực tiếp, đột nhiên bùng nổ vì những hiểu lầm hay giải thích không thấu đáo, và bạn sẽ chứng kiến chính mình dành cả nửa ngày để giải quyết một xung đột tốn năng lượng mà quả thật không cần thiết. Nếu bạn đang dành hàng giờ của cuộc đời làm những việc như vậy, bạn cần phải hỏi chính mình rằng: Mình đang thắng hay thua?

6. Về NHÀ

Sếp cũ của tôi đã cho tôi một lời khuyên rất có ích. Ông ấy nói tương tự rằng “Anh sẽ quay lại đây vào ngày hôm sau, nên đừng có kết thúc một ngày của mình bằng cách xem qua hết tất cả những email chưa trả lời, dọn bàn và kiểm tra danh sách công việc. Thay vào đó, hãy đứng dậy và đi ra khỏi cửa.”

Sếp tôi chẳng bao giờ giám sát quá nhiều, ông ấy không tin rằng mọi thứ sẽ sụp đổ nếu ông để lỡ một email, hay về sớm hơn thường lệ một giờ đồng hồ. Ông ấy khiêu vũ bằng chính nhịp điệu của mình, cực kì hạnh phúc và vui vẻ, điều mà đã giúp tạo nên một bầu không khí làm việc năng suất và lành mạnh trong công ty.

Đừng quan trọng quá việc rời khỏi văn phòng. Hãy cứ làm như là bạn đi vệ sinh vậy. Đứng dậy và bước ra khỏi cửa. Đằng nào thì bạn chả quay lại.

Translated from Martin Bjergegaard‘s Article “6 Tips For A Great Work/Life Balance“.