7 Ý tưởng ngu ngốc ngăn cản bạn trở thành con người tốt nhất của mình

Hôm nay lifehack không gửi bài gì hay – theo ý mình 😀 nên mình lượn quanh và kiếm ra bài này, thực tình thì preview picture của nó, Ted Mosby đã làm mình chọn dịch :mrgreen:

“Vấn đề là những người có những lý tưởng lố bịch nhất lại là những người chắc chắn về mình nhất.” (The Decider, 21 tháng bảy, 2007) – Bill Maher.

Trong đời, tôi đã có 7 ý tưởng ngăn cản bản thân trở thành con người tốt nhất của mình. Khi tôi nghĩ về những gì Bill Maher nói về ý tưởng, ý tưởng của tôi thật lố bịch, nhưng tôi đã tin chúng là “đúng”. Nếu bạn cảm thấy mình không sống với tiềm năng tốt nhất, hãy đọc tiếp! Bởi nếu bạn gật đầu đồng ý với một hay nhiều ý tưởng trong 7 ý tưởng ngu ngốc này, thì có lẽ bạn cần phải thay đổi chúng.

1. Tôi không xứng đáng thành công, và không thể thành công được nên tôi sẽ không cố gắng

Ý tưởng này dựa trên sự giới hạn lòng tin vào bản thân, nó thực sự nói rằng, bạn không có tí hy vọng nào trong mình và vì vậy, đừng tin rằng bạn xứng đáng thành công. Trí óc bạn dùng rất nhiều năng lượng để tập trung vào những yếu tố tiêu cực này – rất là tốn sức! Thay vào đó, hãy tập trung vào những yếu tố tích cực trong cuộc sống và tôi đảm bảo bạn sẽ cảm thấy tốt hơn rất nhiều về bản thân mình.

2. Người khác sẽ nghĩ tôi ngu nếu tôi làm vậy

Đây lại là thiếu lòng tin vào bản thân nữa, và Ellen DeGeneres đã có những dòng viết về ý tưởng ngu ngốc này như sau:

“Hãy bắt đầu suy nghĩ tích cực. Mày sẽ chú ý được một điều khác biệt. Thay vì nghĩ “tao nghĩ mình là kẻ thua cuộc”, hãy thử “tao chắc chắn là kẻ thua cuộc”. Đừng có lưỡng lự về mọi thứ nữa! Mày có thể là một kẻ thua cuộc hơn nữa sao? Khi mà mày còn không biết mình có phải kẻ thua cuộc hay không? Vậy giờ thì, mày là kẻ thua cuộc hay là không hả? Đồ ngu?” – Ellen DeGeneres, The Funny Thing Is…

Hãy sống giữa những người làm bạn hạnh phúc, hỗ trợ bạn, tin tưởng bạn và những người nhìn bạn với con người tốt nhất bạn có. Họ là những người sẽ ngăn bạn suy nghĩ một cách ngu ngốc. Tôi sẽ làm vậy, tuy nhiên, giống như cách Ellen nói về việc trở nên chắc chắn hơn, bằng việc nói mình là kẻ thua cuộc thay vì nói tôi ngĩ tôi là!

3. Đã trễ để tôi thay đổi hay làm việc tôi muốn

Đây chỉ là một cách bao biện những thất bại của mình (bài gốc viết là accept our lot in life – theo mình nghĩ là lost nhưng mà viết thiếu thành lot, cũng có thể là do kiến thức hạn hẹp 😀 ). Chúng ta càng lớn tuổi, chúng ta càng ít tin tưởng rằng mình phải theo đuổi ước mơ. Không bao giờ là quá trễ – nó chỉ vì chúng ta chọn tin rằng nó đã quá trễ. Sức mạnh của lựa chọn đồng hành với chúng ta.

“Khi bạn nghĩ bạn có thể hay không thể, bạn đều đúng” – Henry Ford.

Nếu bạn là một người trung niên như tôi, bạn sẽ bị bao vây bởi những người tin rằng mọi việc đã quá trễ và họ đang chờ nghỉ hưu. Hãy đi và sống giữa những người chỉ mới bắt đầu hành trình của mình, hấp thụ năng lượng của họ và nghĩ tích cực về cuộc sống. Hy vọng rằng, điều đó sẽ tiếp lửa cho bạn để đi và làm bất cứ thứ gì cần thiết để theo đuổi ước mơ.

4. Tôi đã cố gắng nhưng kết quả không như mong đợi nên tôi sẽ không làm nữa

Đây là một ý tưởng ngu ngốc, tiêu cực, chỉ tập trung vào thất bại của bạn. Ý tưởng này có thể dễ dàng chuyển thành  “tôi đã thử rồi và nó không không được như ý, nhưng wow – thật là một trải nghiệm tuyệt vời! Tôi học được rất nhiều và lần tới, tôi sẽ để ý hơn…”. Ý tưởng nào tốt hơn nhỉ? Tôi đoán rằng ý tưởng thứ 2 tốt hơn. Vậy tại sao cứ tập trung vào những suy nghĩ tiêu cực trong khi chúng làm bạn khó chịu? Thất bại là một phần của cuộc sống, nắm lấy chúng, học từ chúng, và tiếp tục bước đi.

5. Lúc này tôi thực sự thoải mái với mọi thứ

Không chỉ đây là một ý tưởng ngu ngốc, mà nó còn nguy hiểm và xảo quyệt. Bởi vì để trở thành người tốt nhất có thể, bạn phải luôn can đảm và không bằng lòng. Tôi cũng thích sự an toàn của cảm giác thoải mái và hài lòng, nhưng chỉ một lúc, rồi nó lại trở nên nhàm chán. Bạn bắt đầu thấy tệ hơn, và thậm chí không hài lòng nữa. Tôi nhận ra một khi mình đón nhận thử thách và đẩy bản thân ra khỏi vùng thoải mái, cuộc sống trở nên thật đáng sợ (theo hướng tích cực) và đầy hứng thú! Nếu bạn chọn bước ra khỏi vùng thoải mái nhưng vẫn không cảm thấy được năng lượng và sự hào hứng, thì bạn chưa bước ra đủ xa!

6. Để trở nên tốt nhất cần quá nhiều sự chăm chỉ, năng lượng và tôi không có chúng lúc này. Có lẽ là để sau..

Ý tưởng điên rồ này cho thấy bạn chẳng biết mình muốn gì. Bạn thực sự chả biết con người tốt nhất của bạn là như thế nào, ra làm sao, và vì vậy bạn sẽ tìm cách ngụy biện để không phải làm gì hết. Nếu bạn không biết rõ mình muốn trở nên như thế nào, thì mong ước và động lực không tồn tại. Cá nhân tôi biết rằng, mình phải làm rõ mình muốn gì và thành công đối với tôi là ra sao. Nếu tôi có thể cảm thấy nó, ngửi được nó và tưởng tượng ra nó, thì tôi sẽ làm tất cả những gì cần thiết. Ngược lại, tôi sẽ tìm mọi cách để bao biện lý do mình không thể làm.

“Nếu bạn thực sự muốn làm gì đó, bạn sẽ tìm ra cách để làm. Ngược lại, bạn sẽ tìm ra cách để ngụy biện.” – Jim Rohn.

7. Nó thật choáng ngợp, tôi sợ

Để trở thành người tốt nhất của mình, chúng ta thực sự phải thay đổi con người và cách suy nghĩ. Và đúng vậy, thật choáng ngợp và đáng sợ! Nếu trở thành con người tốt nhất của mình thật dễ dàng và không đáng sợ, thì chúng ta đã trở nên như thế và sống với hết tiềm năng rồi. Cuộc đời không như vậy, và ý tưởng ngu dốt này minh họa sự sợ hãi thay đổi của chúng ta. Đời không phải là một đường thẳng, nó có đầy những xoắn ốc, rẻ ngoặt và những thời gian khó khăn. Tuy nhiên, nếu chúng ta lựa chọn, chúng ta có thể sống một cuộc sống đầy vui vẻ, hạnh phúc và tình yêu. Để trở thành người tốt nhất có thể, hãy nắm lấy sự thay đổi và yếu điểm (khả năng bị tổn thương) của bạn.

Khi xem Brené Brown: The Power of Vulnerability (Brené Brown: Sức mạnh của sự tổn thương), nó như một thế giới suy nghĩ mới mở ra với tôi. Khi tôi bước vào sức mạnh tổn thương của mình, tôi ngừng sợ và choáng ngợp để thoát khỏi nỗi sợ hãi cùng những ý tưởng ngu ngốc của mình.

Hãy loại bỏ những ý tưởng ngu ngốc, nắm lấy thay đổi, chấp nhận thử thách và hướng tới nó!

Translated from Kathryn Sandford‘s Article “7 Stupid Ideas That Are Holding You Back From Being Your Best“.

Hành trình ngày 07: Sắp xếp thời gian

Hôm qua dành cả ngày để ôn tập, tập luyện lại những kiến thức cần thiết cho hôm nay đi test, nhưng vẫn giữ được nhịp độ, làm đủ các công việc cần làm trong ngày. Áp dụng một số chiến lược, mẹo, mình đã dịch trong các bài trước và thấy thật hiệu quả. Nhất là định luật Parkinson. Một ngày trôi qua với đủ thứ công việc, nhưng cái nào cũng hoàn thành trọn vẹn. Những con số tài chính chạy lòng vòng trong đầu không làm mình mệt mỏi được bao lâu. Thật thoải mái!

Tối mình vẫn có thể thiền và ngủ sớm, không phải thức khuya lao lực như trước kia phải làm nhiều việc nữa. Chợt thấy bản thân đã đạt được một thành tích đáng ghi nhận. Có lẽ là lần đầu tiên làm việc, học tập lẫn giải quyết các nhu cầu cuộc sống một cách cân bằng đến vậy.

Thiền tối qua vẫn diễn ra một cách bình thường, tâm trí hoàn toàn thả vào hơi thở. 20 phút trôi qua nhẹ nhàng cho mình một sự yên bình và thoải mái cần thiết để refresh lại tâm trí, kiểm tra lại những việc trong ngày, và sắp xếp những việc hôm sau.

Sáng nay, sau khi thiền xong, học một chút, ôn lại kiến thức cho buổi test chiều nay, và giờ dành thời gian viết blog. Bỗng nghĩ tới việc sắp xếp thời gian.

Thời gian là món quà quý giá nhất, và cũng được phân phát công bằng nhất cho tất cả mọi người. Mà đã là món quà, thì sử dụng như thế nào hoàn toàn tùy thuộc vào người được tặng. Trước đây, mình cũng như bao nhiêu người khác, ước gì, mình được tặng nhiều hơn, ước gì, mỗi ngày có 25 giờ. Để làm gì chứ? Để ngủ. Vâng, để ngủ. Chúng ta dành 1/3 cuộc đời để ngủ, nhưng rồi lại muốn có thêm 1/24 cuộc đời nữa để … vẫn ngủ. Tại vì sao? Vì thực chúng ta đâu có ngủ đủ 1/3 cuộc đời đó đâu, chúng ta phải làm việc xuyên đêm, thức tới sáng, bận rộn với đủ thứ trên trời dưới đất. Lẽ nào nói công bằng mà lại không công bằng? Cho cũng nhiêu đó thời gian mà bắt mình làm nhiều hơn người khác?

KHÔNG. Câu trả lời rõ ràng là không. Chả ai bắt ép bạn cả, có chăng thì chính mình bắt ép mình mà thôi. Mình muốn nhiều thì mình làm nhiều. Muốn quá nhiều  thì rồi không đủ thời gian để làm. Nhưng nói cho rõ, nhiều hay ít, thì cũng chỉ là tương đối mà thôi. Với người này là nhiều nhưng với người khác lại là ít. Chỉ có thời gian là tuyệt đối, với ai thì cũng chỉ 24 tiếng/ngày.

Như vậy, muốn giải quyết được vấn đề ở đây, thì phải điều chỉnh cái tương đối sao cho nó phù hợp với cái tuyệt đối, cái khả biến phù hợp với cái bất biến. Như Khổng Tử (phải ông ấy không nhỉ? :D) có ví “lòng tham con người như nước trong cái bình đáy tròn, không có thì bình đổ, mà đầy quá thì bình cũng đổ”. Vậy đó, chỉ nên có ở một mức nhất định. Nhưng trích câu của Khổng Tử, thì chỉ mới nói về lượng, nói về nước. Muốn đủ thời gian thì làm ít việc thôi. Còn như có nhiều kiểu mục đích, nhiều loại hình công việc khác nhau, mà cũng bỏ chung vào một cái lọ mà chúng ta cần phải hoàn thành thì sao? Chắc mọi người cũng biết mình đang nói tới câu chuyện nào rồi nhỉ ^^  Đúng vậy, lúc này lại nói tới kỹ năng quản lý thời gian, để làm sao cùng một thời gian bất biến đó, mình làm được nhiều việc nhất có thể.

Hồi sáng lifehack đã bắt đầu gửi bài trở lại, và có lẽ hôm nay mình sẽ dịch một bài về quản lý thời gian, kỹ năng mà ai cũng cần phải có.

Hành trình ngày 06: Hơi thở

Lần thiền hôm nay, mọi thứ đã quen hơn trước, tâm trí hoàn toàn tập trung vào hơi thở mà không nảy sinh nhiều tạp niệm. Bởi vậy mà cũng để ý được rằng, có đôi lúc hít vào thở ra, mình dùng cả mũi lẫn miệng.

Nói qua thì phương pháp thiền của mình là thở bụng, thở bằng miệng, và thở vuông, khí khi hít vào tụ tại huyệt đan điền dưới rốn 1,5 thốn (tầm 3cm). Bởi vì nó là thở miệng nên hạn chế và phải làm sao để khống chế thói quen thở mũi, chỉ có cho khí vào ra bằng miệng mà thôi.

Mấy ngày trước khi thiền còn vẩn vơ nhiều suy nghĩ, khi thiền chỉ nhắm sao thở cho đều là được, còn lại tâm trí bận đuổi tạp niệm mà không thực sự sâu sát vào được kiểm soát hơi thở. Lần này, toàn tâm toàn ý chỉ nghĩ đến hơn thở, nhận ra lúc bắt đầu hít vào mình hít cả bằng mũi, cũng như lúc bắt đầu thở ra cũng thở cả bằng mũi. Cố gắng điều chỉnh nhưng không biết làm sao chỉnh cho hợp lý được, cứ ngưng được vài nhịp thì lại có một hai nhịp thở bằng cả 2. Chẳng lẽ lại lấy tay bị mũi? 😀 Nhưng như vậy chỉ giải quyết được phần ngọn mà không triệt được phần gốc. Thôi thì không vội được, cứ từ từ tìm hiểu vậy.

Ngoại trừ việc hít thở vẫn còn bằng cả mũi miệng thì mọi thứ khác đã ổn hơn nhiều. Người ngồi thẳng lưng nhưng không còn nhận ra sự ép buộc nữa, đôi lúc tưởng lưng đã chùng xuống, thử thẳng lên lại, nhưng hóa ra đã thẳng rồi :D. Chân trái bị bẻ ngoặt lên ngồi bán kiết già, giờ khi thiền xong cũng còn cảm giác tê tê nữa, có thể đứng dậy đi lại bình thường ngay lập tức. Coi ra cũng khá quen rồi 🙂

Từ nay đã bắt đầu có cảm giác đợi giờ thiền rồi đó ^^

7 Cách loại bỏ tiêu cực để trở nên tích cực

Sự tiêu cực ảnh hưởng đến chúng ta và tất cả mọi người xung quanh. Nó giới hạn tiềm năng, loại bỏ khả năng chúng ta có thể trở thành một người tuyệt vời và sống một cuộc sống hạnh phúc, có mục đích. Sự tiêu cực cũng ảnh hưởng một cách đáng kể lên sức khỏe. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người tích tụ quá nhiều năng lượng tiêu cực sẽ áp lực hơn, dễ ốm hơn và ít cơ hội sống tốt hơn những người suy nghĩ tích cực.

Khi chúng ta quyết định sống một cách tích cực, và đưa quyết định đó trở thành hành động, chúng ta sẽ bắt đầu gặp gỡ với những tình huống và cả những con người tích cực. Năng lượng tiêu cực bị năng lượng tích cực đẩy ra rìa. Nó là hiệu ứng quả bóng tuyết. Và vì những suy nghĩ tích cực và tiêu cực luôn song song tồn tại, chìa khóa để trở nên tích cực là giới hạn năng lượng tiêu cực mà chúng ta trải qua, bằng cách lấp đầy tâm hồn với những năng lượng tích cực hơn.

Đây là một vài cách để loại bỏ tiêu cực và trở nên tích cực.

Hãy BIẾT ƠN – tất cả mọi thứ

Khi cuộc sống là của chúng ta, hãy tin rằng chúng ta xứng đáng có những gì chúng ta đang có. Sống với thái độ cho rằng mình hiển nhiên là cái rốn của vũ trụ, ảo tưởng rằng mọi người phải cung phụng mình, thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của mình là một cách tồn tại vô nghĩa. Nó sẽ biến ta thành một cái túi không đáy chất đầy những năng lượng tiêu cực, và những người sống như vậy là những “con đĩa hút năng lượng” (nguyên bản: energy suckers) – họ luôn luôn tìm kiếm những thứ họ không có được.

Những người không biết ơn những gì họ có sẽ sống một cuộc sống thiếu thốn. Và sẽ thật khó khăn để có một cuộc sống tích cực theo cách này.

Khi chúng ta bắt đầu trân trọng và biết ơn những gì ta có – từ những khó khăn nhỏ nhất giúp chúng ta trở nên tốt hơn cho đến những chiếc xe chở chúng ta đi từ A đến B mỗi ngày – chúng ta sẽ chuyển thái độ từ ích kỉ sang trân trọng. Thái độ trân trọng sẽ được mọi người chú ý, và sự tích cực sẽ giúp chúng ta gây dựng quan hệ với mọi người. Chúng ta bắt đầu nhận được nhiều hơn những gì chúng ta biết ơn, bởi vì chúng ta đã mở lòng để đón nhận thay vì chỉ lấy đi. Điều này sẽ giúp cuộc sống trở nên hạnh phúc và tích cực hơn.

CƯỜI nhiều hơn – đặc biệt là cười chính mình

Cuộc sống bận rộn, lịch trình kín mít, chúng ta có những mối quan hệ, và những công việc phải làm cùng một lúc. Nó đem lại cảm giác con người sống giống như là một con robot. Cuộc sống bị điều khiển bởi công việc và một thái độ quá nghiêm túc đôi lúc tạo nên những suy nghĩ máy móc và tiêu cực. Trở nên tích cực có nghĩa là chúng ta phải sống một cách thoải mái, và đừng nghiêm túc quá. Bạn chỉ sống một lần – Sao không sống vui lên? :mrgreen:

Cười giúp chúng ta trở nên tích cực, vui vẻ, và nhắc chúng ta rằng, đừng sống nghiêm túc quá. Bạn có nhạy cảm với những lời chế nhạo? Bạn có cười với những trò hề không? 😀 Thông thường những người có quá nhiều áp lực và sống quá nghiêm túc cảm thấy khó chịu với những lời chế nhạo, bởi vì cuộc sống của họ chỉ toàn là công việc, không có vui chơi. Nếu chúng ta có thể học cách cười chính mình và cười những sai lầm của mình, cuộc sống sẽ trở thành một trải nghiệm tìm kiếm điều làm ta hạnh phúc. Và kiếm tìm hạnh phúc có nghĩa là kiếm tìm sự tích cực.

GIÚP ĐỠ người khác

Tiêu cực luôn đi kèm với ích kỉ. Con người chỉ sống cho riêng mình không có một mục đích nào cao hơn. Nếu cuộc sống chỉ có nghĩa là sống cho một mình bạn, thì con đường dẫn đến hạnh phúc lâu dài sẽ là một con đường dài đấy.

Tích cực đi kèm với mục đích.

Cách đơn giản nhất để có một cuộc sống tích cực và có mục đích là hãy bắt đầu giúp đỡ người khác. Bắt đầu nhỏ thôi, mở cửa cho người đi trước ở Starbucks hay hỏi thăm về một ngày của họ, và rồi chia sẻ về một ngày của bạn. Giúp đỡ mọi người sẽ cho bạn một giá trị vô hình đầy ý nghĩa mà có thể chuyển thành sự tích cực. Và mọi người sẽ trân trọng bạn trong quá trình đó.

THAY ĐỔI suy nghĩ của bạn

Chúng ta có thể là người dẫn đường tốt nhất cũng có thể là kẻ thù lớn nhất của chính mình. Thay đổi xuất phát từ bên trong. Nếu bạn muốn trở nên tích cực hơn, hãy thay đổi cách bạn suy nghĩ. Chúng ta là người nghiêm khắc nhất đối với bản thân mình, và những cuộc độc thoại tiêu cực sẽ là dòng suối ăn mòn cuộc sống tích cực của chúng ta.

Lần tới, khi bạn có một suy nghĩ tiêu cực, viết nó ra, và chỉnh sửa nó với một cách nghĩ tích cực. Ví dụ, chuyển suy nghĩ “Mình không thể tin rằng mình làm bài thi tồi như thế – thật vô dụng” thành “Mình không làm tốt như mong đợi. Nhưng mình có thể làm nó tốt hơn vào lần sau”.

Thay đổi suy nghĩ của mình chính là sức mạnh.

Hãy BAO LẤY mình bằng những người tích cực

Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Nếu bạn bè của chúng ta toàn là những “con đĩa hút năng lượng” hay những nữ hoàng kịch nói, chúng ta sẽ lây nhiễm cách sống đó và trở thành như họ. Sẽ rất khó để trở thành một người tích cực, khi xung quanh ta toàn những người không hỗ trợ và cũng không có cách hành xử tích cực.

Khi bạn trở nên tích cực hơn, bạn sẽ thấy rằng bạn bè mình sẽ hoặc là trân trọng con người mới của bạn, hoặc là chống lại nó. Đó là một phản ứng tự nhiên, thay đổi là một việc đáng sợ. Nhưng loại bỏ những người tiêu cực trong cuộc sống của bạn là một bước tiến lớn để có thể trở nên tích cực hơn. Tích cực là quá trình bước-từng-bước-một nếu bạn làm một mình, nhưng nếu có sự hỗ trợ của bạn bè, nó sẽ là một cái thang cuốn.

Hãy HÀNH ĐỘNG

Suy nghĩ tiêu cực có thể rất áp đảo và khó khăn để điều chỉnh. Tiêu cực thường đi kèm phản ứng “sợ hãi”, đặc biệt khi nó gắn với những mối quan hệ, với mọi người và với những lo lắng về tương lai. Điều này sẽ làm yếu đi khả năng trở nên tích cực và nhanh chóng làm chúng ta lo lắng, áp lực hơn và sợ hãi hơn.

Biến những suy nghĩ tiêu cực thành những hành động tích cực. Lần tới, khi bạn rơi vào những trường hợp này, hãy bỏ đi và nghỉ ngơi một chút. Nhắm mắt lại và thở sâu. Khi bạn đã bình tĩnh, hãy tiếp cận vấn đề bằng một ngòi bút và một tờ giấy. Viết ra 4 đến 5 hành động hay giải pháp giải quyết tình huống. Đưa mình thoát ra khỏi những cảm xúc tiêu cực bằng cách hành động tích cực sẽ giúp bạn giải quyết được vấn đề một cách hợp lý hơn, và sống tích cực hơn.

Hãy NHẬN toàn bộ trách nhiệm; đừng trở thành nạn nhân

Bạn phải có trách nhiệm với suy nghĩ của mình. Những người luôn tin rằng mọi thứ xảy tới với họ sẽ tự biến mình thành nạn nhân. Đây là một kiểu suy nghĩ tiêu cực. Những thứ như “Tôi phải làm việc” hay “Tôi không thể tin anh ta làm vậy với tôi” cho thấy một cách biến mình thành nạn nhân. Đổ lỗi cho tình huống và đổ lỗi cho người khác chỉ giới hạn khả năng quyết định thay đổi một thứ tiêu cực thành tích cực của chúng ta. (Trong bài gốc, tác giả dùng chữ “to” ở những chỗ mình dịch là “với” để đưa ra một cảm giác bị động, người nói luôn bị động với tình huống – qto).

Nhận lấy toàn bộ trách nhiệm cho cuộc sống , suy nghĩ và hành động của bạn là một trong những bước đi lớn nhất để tạo nên một cuộc sống tích cực. Chúng ta có một tiềm năng vô hạn để tạo nên số mệnh của mình, thay đổi cuộc đời và thay đổi suy nghĩ. Khi chúng ta bắt đầu thực sự hình thành tính tích cực, chúng ta sẽ nhận ra rằng, không ai có thế bắt chúng ta phải cảm thấy hay làm bất cứ điều gì. Chúng ta tự mình lựa chọn cảm xúc và cách phản ứng lại với mọi người và mọi tình huống.

Hãy đưa ra những quyết định tích cực vì chính bạn.

Để ý suy nghĩ của bạn vì chúng sẽ trở thành lời nói.
Để ý lời nói của bạn vì chúng sẽ trở thành hành động.
Để ý hành động của bạn vì chúng sẽ trở thành thói quen.
Để ý thói quen của bạn vì chúng sẽ trở thành tính cách.
Để ý tính cách của bạn vì chúng sẽ trở thành số mệnh.

– Lão Tử

Translated form Chris Talambas‘s Article “7 Ways to Get Rid of Negative Energy and Become Positive“.