10 Cách để cải thiện kỹ năng quản lý thời gian

Không thể quản lý thời gian thì không thể quản lý gì cả. Gần tới lúc đi làm rồi mà công việc tồn đọng vẫn còn quá sức nhiều, phải phân bổ phù hợp để có thể hoàn tất hết mọi thứ. Đến lúc đi làm còn phải chia quỹ thời gian lại chứ ^^ Vậy nên, lại một bài về quản lý thời gian nào 🙂

Bạn có thường cảm thấy mệt mỏi vì quá nhiều công việc phải làm? Khi thời gian trôi qua, bạn có cảm thấy bạn có nhiều việc hơn thời gian bạn có để làm chúng hay là bạn có thể sử dụng thời gian hiệu quả để hoàn thành tất cả công việc được giao?

Mẹo là hãy tổ chức công việc và sử dụng hiệu quả thời gian để làm được nhiều việc hơn mỗi ngày. Điều này có thể giúp bạn giảm mệt mỏi và làm việc tốt hơn. Quản lý thời gian là một kỹ năng cần nhiều thời gian để phát triển, và nó khác biệt đối với từng người. Bạn chỉ việc tìm ra cách phù hợp với mình. Sử dụng một vài chiến lược dưới đây trong vài tuần và xem liệu nó có thể giúp bạn.

Đây là 10 cách bạn có thể dùng để cái thiện kỹ năng quản lý thời gian và nâng cao năng suất.

1. Phân công công việc: thông thường tất cả chúng ta nhận nhiều việc hơn tiềm năng mong muốn. Điều này có thể đem lại kết quả là sự mệt mỏi và kiệt sức. Phân công không phải là chạy trốn trách nhiệm mà là một chức năng quan trọng của quản lý. Hãy học nghệ thuật phân công công việc cho cấp dưới tùy theo kỹ năng và năng lực của họ.

2. Xếp đặt ưu tiên: trước khi bắt đầu một ngày mới, hãy lên danh sách công việc cần sự chú ý tức thì của bạn cũng như những việc không quan trọng nhưng lại tiêu tốn rất nhiều thời gian quý giá. Một vài công việc cần phải hoàn thành trong ngày trong khi những công việc không quan trọng khác có thể làm vào hôm sau. Tóm lại, ưu tiên tập trung vào công việc quan trọng hơn.

3. Tránh trì hoãn: trì hoãn là một trong những thứ ảnh hưởng tồi tệ đến năng suất. Nó có thể mang lại kết quả là sự phí phạm thời gian và năng lượng thiết yếu. Cần phải tránh nó bằng bất cứ giá nào. Nó có thể là một vấn đề chính yếu trong cả công việc lẫn cuộc sống.

4. Lên lịch làm việc: mang theo một cuốn sổ kế hoạch với bạn và liệt kê tất cả những công việc xuất hiện trong đầu. Làm một danh sách ‘phải làm’ đơn giản trước khi bắt đầu một ngày, sắp xếp ưu tiên công việc, và đảm bảo là chúng có thể đạt được. Để quản lý thời gian tốt hơn, bạn nên nghĩ về việc tạo ra 3 danh sách: công việc, gia đình, và cá nhân.

5. Tránh mệt mỏi: mệt mỏi thường xảy ra khi chúng ta chấp nhận nhiều công việc hơn khả năng của mình. Kết quả là cơ thể bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và ảnh hưởng tới năng suất. Thay vào đó, phân công công việc cho cấp dưới và đảm bảo dành ra một chút thời gian để giải lao.

6. Đặt ra kì hạn: Khi bạn phải làm việc, hãy đặt ra một kì hạn thực tế và bám theo nó. Cố gắng đặt ra một kì hạn trước công việc đó vài ngày để bạn có thể hoàn thành tất cả những việc có thể phát sinh. Thử thách bản thân và đạt được kì hạn. Thưởng cho mình khi vượt qua một thử thách khó khăn.

7. Tránh làm nhiều việc một lúc (đa nhiệm): Hầu hết chúng ta cảm thấy làm nhiều việc một lúc là cách hiệu quả để hoàn thành công việc nhưng sự thật là chúng ta làm tốt hơn khi tập trung hoàn toàn vào một công việc. Đa nhiệm ngăn trở năn suất và nên tránh để có thể cải thiện kỹ năng quản lý thời gian.

8. Bắt đầu sớm: hầu hết những người thành công có một điểm chung. Họ bắt đầu một ngày sớm và điều đó cho họ thời gian để ngồi, nghĩ, và lên kế hoạch cho cả ngày. Khi bạn thức dậy sớm, bạn sẽ bình tĩnh hơn, sáng tạo hơn, và minh mẫn hơn. Khi ngày dần trôi, mức năng lượng của bạn bắt đầu đi xuống và ảnh hưởng tới năng suất của bạn, khiến bạn không thể hiện tốt.

9. Hãy nghỉ ngơi: khi nào bạn có 10 – 15 phút cho mình, hãy nghỉ ngơi. Quá nhiều mệt mỏi có thể làm hại cơ thể bạn từ từ và ảnh hưởng lên năng suất. Hãy đi dạo, nghe nhạc và tập thể dục một chút. Ý kiến tốt nhất là hãy rời công việc và dành thời gian cho gia đình, bạn bè.

10. Học cách nói Không: lịch sự từ chối những công việc làm thêm nếu bạn nghĩ mình đã quá tải. Liếc qua danh sách “phải làm” trước khi đồng ý nhận thêm việc.

Bạn có hay trì hoãn? Học cách đánh bại sự trì hoãn qua một số bước đơn giản: Cách đánh bại nỗi sợ lười biếng và trì hoãn của bạn (sẽ dịch bài này – qto)

Translated from Rinkesh Kukreja‘s Article “10 Ways to Improve Your Time Management Skills

Hành trình ngày 27: Mùa lạnh đã về

Mấy bữa nay mùa lạnh đã về với Sài Gòn, nhưng đối với bản thân một đứa lớn lên từ vùng đất có thể coi là khí hậu khắc nghiệt, thay đổi điên cuồng của Việt Nam thì cũng chỉ là mùa mát.
Tuy vậy cũng chả hiểu sao mà hôm qua giờ trong người cảm thấy khá mỏi, không mệt, nhưng tay chân uể oải không buồn nhấc, cứ như là sắp ốm tới nơi vậy. Thế nên lại càng phải chăm chỉ thiền, thiền để làm sao cho sức khỏe tăng cường lên lại mà đương đầu với bệnh.
Mấy năm trước, lúc mới vào SG và còn học ở làng Đại học, một mình lo cho mình trong kí túc xá. Hồi đó, cũng là lần đầu tiên xa nhà, và cũng là lần đầu tiên mình phải tự chăm lo. Từ nhỏ thể chất không được tốt nên hay bệnh vặt, nhưng vào Đại học đó giờ chỉ bệnh có hai lần, và phải là bệnh thật nặng mới đốn ngã mình được. Mỗi lúc thấy người mỏi mệt, uể oải là cái làm biếng hàng ngày biến tan đi đâu mất, rồi thay vì đi ra căn-tin ăn cơm với chưa tới 2 phút đi bộ, thì mình một thân một mình lê bước lên tận Khoa học tự nhiên cách tầm hơn cây số để ăn cơm. Chả phải trên đó có cơm canh ngon ngọt bổ dưỡng gì, mà là mình phải đi, phải hoạt động cho mồ hôi nó ra, cho quên đi cái cảm giác sắp ốm, cũng như cho cơ thể hoạt động mà chống lại. Không những thế, khi thấy mình có vẻ sẽ bệnh thì mình ít khi ngồi laptop, mà lại leo lên leo xuống cái giường, ngồi chém gió với bạn bè, để quên đi, và cũng để cơ thể vận động. Không biết là tại do mình quên, hay tại do vận động mà hết bệnh thật, mình tự dưng khỏe khoắn ra hẳn.
Rồi thế đó, tạo thành thói quen. Đến sau này khi đi tập gym (giờ thì đã nghỉ được mấy năm, thành quả thì chưa tới đâu :mrgreen: ), lúc mệt mỏi quá, tính ở nhà, thì cũng phải cám ơn anh Trung – anh cùng phòng đã động viên. Nói thật, mình ít khi nể ai, nhưng ảnh lại là một trong số ít những người mình nể dù là tư tưởng có phần đối lập. Thế đó, mình gần như chơi với ai cũng được :mrgreen: chỉ cần người ta có gì đó hay, anh em hợp nhau cái gì thì nói cái đó, cái gì không hợp thì không bàn, thế là chơi được với nhau thôi. Uầy, mà lại lan man rồi :mrgreen: Những lúc uể oải, tính nghỉ ở nhà thì ảnh kêu đi tập đi, tập ra mồ hôi là khỏe liền à. Thế là đứng dậy đi tập, đẩy không bằng được ngày thường, nhưng chả sao, sức tới đâu tập tới đó, hơi mệt nhưng mồ hôi túa ra như nước, rồi uống nước vào, mua trái cây ăn, vậy là lại khỏe.
Cái thói quen đó cứ theo mình suốt, thật vậy, khi không có ai kề bên chăm sóc thì con người ta kiên cường thật. Lần đầu tiên mình bệnh nặng là vào cuối năm 3 Đại học. Bữa đó sốt đến gần 40 độ C, nhưng mà đâu có biết, tại có nhiệt kế đâu. Cứ bệnh thì lại leo xuống leo lên, lại đi ăn xa, lại làm mọi thứ cho quên đi cái bệnh. Dạo đó còn đang thi cuối kì nữa chứ, người cứ tự nói với mình là không bệnh, không bệnh, có bệnh thì cũng chờ thi xong đi đã. Vậy là mặc đêm sốt run người, mặc sáng dậy đờ đẫn, ngày nào cũng đều đều đi học, đi thi, đi ăn cho nó quên đi. Cũng có thể coi là không bệnh. Đến trước ngày thi môn cuối cùng thì nổi hứng lên anh trai chơi và đêm đó lại sốt run bần bật, anh trai thức giấc thấy, chở đi viện ngay. Kết quả là nằm viện mấy ngày và mất thi môn cuối. May cũng là nằm viện nên có giấy tờ và được cho phép thi bù vào năm sau chứ không bị hủy kết quả.
Ơ, mà lan man thật, viết hành trình chứ đâu phải tản mạn chứ ^^ Thôi thì tóm gọn hành trình vậy. Thiền bây giờ mình gần như không gắng công kiểm soát nữa mà để cho cơ thể tự nó quyết định. Tối qua xả thiền sớm, không mệt mỏi, không khó chịu, không có vấn đề gì hết, nhưng tự nhiên cơ thể nó muốn vậy. Nhưng mà tối qua mồ hôi cũng ra nhiều như nước lũ, không biết là xả độc của mấy ngày nay gió lạnh tràn về hay là sao nữa. Nhưng mà dù gì thì sức khỏe cũng đảm bảo và năm nay không thấy cần phải lội bộ đi ăn xa..

Hành trình ngày 18 + 19 + 20: Thiền thật sự rất ích lợi

Hôm nay, sau khi sắp xếp lại công việc và dọn dẹp hòm mail, tùy chỉnh – thiết lập lại một số thứ, mình nghỉ tí xíu để viết bài hành trình.

Quả thực tới hôm nay, trong số những việc làm khoa học để giúp mình sống tốt hơn thì thiền vẫn là việc đem lại nhiều hiệu quả rõ rệt nhất. Đôi lúc cảm tưởng như phóng đại, nhưng mà lại là sự thực. Bởi vậy, mấy hôm nay dù không duy trì được việc viết hành trình hay dịch bài nhưng thiền thì vẫn phải làm không bỏ.

Lợi ích của thiền, thấy rõ nét ở mình về cả thể xác – sức khỏe vật lý, và tâm hồn – tính cách – sức khỏe tinh thần.

Về sức khỏe vật lý, có thể nói rằng kết quả này bản thân mình cũng không hề ngờ tới. Trước đây, mà có thể nói là tới hiện tại, mình là một đứa mọt sách, ít vận động, thậm chí không chơi thể thao :mrgreen: Cái này là do thể chất từ nhỏ đã không được tốt, nên đâm ra tự ti, ít dám làm gì. Nhớ năm nhất, năm hai đại học, đi bộ đi học tầm 2km, đi hoài cũng có cải thiện sức khỏe tí, nhưng mà đi suốt thì vẫn thở hồng hộc, và phải hạn chế nói chuyện để tiết kiệm ..hơi :mrgreen:

Nhưng sau mới chỉ có hơn nửa tháng thiền, đúng vậy, chính mình cũng ngạc nhiên về thời gian ít ỏi này, mình đã kiểm chứng được sự thay đổi qua buổi đi chơi vừa rồi. Mình có thể đi bộ cũng tầm 2 – 3 km, dưới trời nắng, vừa đi vừa nói chuyện thoải mái, với tốc độ bình thường mà không hề cảm thấy hụt hơi hay mất sức. Nhớ hồi trở lại mấy tháng gần đây, mình rất làm biếng đi bộ, đi chỉ có xíu là muốn ngồi, muốn thở, đi qua cái cầu vượt bộ hành ngắn xíu cũng thấy oải, leo 7 tầng cầu thang lên lớp học là thở không nổi :mrgreen: Nhưng giờ mình có thể leo lên leo xuống rồi lại leo lên một tòa nhà 5 tầng mà không mấy mỏi mệt. Mà cho dù lúc đi nhiều có hơi mệt, hơi thở có vẻ bất thường, thì chỉ cần đứng lại trong vòng 10 15s lập tức cũng có thể điều hòa hơi thở.

Mà thiền cũng còn giúp mình hồi phục cơ thể, xóa bỏ sự mệt mỏi khá tốt. Nếu mọi người xem phim kiếm hiệp, hay chơi game online chẳng hạn ( :mrgreen: ) sẽ thấy cơ chế ngồi thiền để hồi phục khí huyết. Mình cũng vậy, sau một ngày mệt mỏi, tối tắm xong, nghỉ ngơi thoải mái và thiền thì thật sự cơ thể được hồi phục rất nhiều, đỡ hẳn sự mỏi mệt, chìm vào giấc ngủ và sáng hôm sau vẫn cứ có thể dậy sớm như bình thường.

Về sức khỏe tinh thần thì lại càng đáng nói hơn nữa. Nếu như tính khí mình trước đây rất nóng nảy, dễ nổi nóng, dễ mất bình tĩnh và không có khả năng chờ đợi thì giờ thiền đã hoàn toàn thay đổi nó. Bây giờ, mình bình tĩnh hơn và suy xét vấn đề kĩ lưỡng hơn. Có thể nói, yếu điểm thiếu cái đầu lạnh của mình đã được giải quyết nhiều phần. Mình cũng dần vì thế mà có thể chờ đợi một cách hợp lý những vấn đề cần phải chờ đợi, không dễ mất bình tĩnh và nổi nóng khi phải chờ đợi trong một thời gian dài như trước đây. Ngoài ra, vì tập trung vào sự vô thường của mọi việc, mình cũng dần sống thoải mái hơn, và quả thực, khi coi đến chính mình cũng là giả, thì mình có thể xem xét vấn đề của mình như góc nhìn của một người thứ 3 vậy, thật rõ ràng!

Thôi, ngừng hành trình hôm nay tại đây, quay trở lại với công việc nào! ^^

24 giờ vẫn không đủ? Hãy áp dụng 10 mẹo sau để quản lý thời gian

Dù bạn là một nhân viên, một người chủ kinh doanh nhỏ hay là một ông bố/bà mẹ đơn thân, bạn cũng chỉ có 24 tiếng/ngày. Và dù mỗi cá nhân có một phạm vi công việc khác nhau cần hoàn thành, nhưng tựu chung đều phải quản lý thời gian một cách hiệu quả nếu muốn thành công.

Nhiều người cố gắng để quản lý thời gian, tuy nhiên, họ không thể nào phân biệt được thời gian trên đồng hồ và thời gian thực tế. Trong khi thời gian trên đồng hồ là thời lượng chính xác của từng giây, phút và giờ cho mỗi ngày, thì thời gian thực tế là tương đối, và có thể bị ảnh hưởng bởi loại hình công việc mà bạn làm cũng như cách bạn làm chúng.

Hiểu được điều này tạo cho chúng ta một nền mống để quản lý thời gian hiệu quả, và song song cho phép chúng ta làm việc năng suất hơn. Với suy nghĩ như vậy, hãy xem xét những bước sau để xây dựng một nền tảng và làm mỗi ngày trôi qua trở nên có ích.

1. Xây dựng một thói quen ngủ phù hợp

Chìa khóa cho một ngày làm việc hiệu quả nằm ở đêm hôm trước. Một thói quen phù hợp cho giấc ngủ sẽ tạo nhịp điệu cho một ngày hiệu quả. Theo Tiến sĩ Tâm lý học lâm sàng Stephanie Silberman, cách tốt nhất để có một giấc ngủ phù hợp là điều chỉnh thói quen từ từ bằng cách tăng dần 15 phút mỗi lần để xác định một chu kì khả thi có thể duy trì dễ dàng. (đây là bài hay cho ai có vấn đề điều chỉnh thói quen đi ngủ). Nên nếu bạn muốn thức dậy sớm hơn mà không phải chịu cảm giác mệt mỏi, hãy bắt đầu với việc dậy sớm hơn 15 phút trong từng kì 3 – 4 ngày để cơ thế bạn có thể điều chỉnh hiệu quả. Sau đó bạn có thể lặp lại quá trình này cho đến khi thực sự thoái mái, và tạo được một chu kì ngủ cho phép bạn bắt đầu một ngày mới tại thời gian tối ưu.

2. Làm một việc gần với việc khác (gần về địa lý)

Một khi bạn thức dậy và chuẩn bị cho ngày mới, bạn có thể tiết kiệm thời gian bằng cách hoàn thành các công việc với một thái độ hợp lý trong phân bổ ưu tiên về địa điểm. Nếu bạn ăn sáng trong bếp, ví dụ vậy, bạn nên xác định tất cả những nhiệm vụ khác cần bạn chú ý trong khu vực đó trước khi rời đi. Nếu bạn có thể hoàn thành một khối lượng công việc lớn ở duy nhất một địa điểm trong một thời gian xác định, bạn có thể tạo nên một lịch trình hiệu quả hơn để đạt được mục đích, thay vì cứ chạy đi chạy lại hết nơi này sang nơi khác. Mặc dù điều này có thể đòi hỏi một cách nhìn nhận mới, nhưng nó cũng rõ ràng đảm bảo bạn sẽ năng suất hơn.

3. Xem xét phúc lợi về di chuyển

Làm nhiều việc một lúc (đa nhiệm) thường được xem là tiêu chuẩn của năng suất, nhưng mọi người thường quá tham lam khi làm việc và thường chú trọng số lượng mà bỏ qua chất lượng. Bởi vậy, phải cẩn trọng khi lựa chọn đa nhiệm để có thể có được sự cân bằng tuyệt đối giữa đạt được mục đích và bảo đảm chất lượng xuất sắc cho công việc. Ví dụ như bạn chọn đi làm bằng phương tiện công cộng thay vì lái xe đi, bạn sẽ tạo được thêm thời gian để hoàn thành công việc thay vì buộc mình vội vàng lướt qua email trước khi nhảy lên xe và lái đi. Một nhân viên văn phòng có thể tiêu tốn 10% thời gian làm việc trong ngày chỉ để di chuyển giữa nhà và công ty, vậy nên một phúc lợi về di chuyển là một cơ hội duy nhất để sử dụng thời gian đó một cách hợp lý.

4. Ăn trưa cân bằng và tốt cho sức khỏe

Thức ăn cũng là một vấn đề quan trọng cần xem xét cho bữa ăn nhẹ giữa buổi sáng hay ăn trưa. Thói quen ăn uống dễ bị bỏ qua nếu bạn làm việc bận rộn, vậy nên chúng ta thường thiên về việc ăn một bữa nhẹ với đồ ngọt hay ăn trưa bằng thức ăn nhanh để tạm thời nạp năng lượng một cách nhanh chóng. Không chỉ năng suất làm việc phụ thuộc vào khả năng bạn cung cấp năng lượng trong suốt một ngày, mà việc bạn ăn đủ lượng vào buổi trưa còn rất cần thiết. Phụ nữ cần ước tính khoảng 400 -600 calo cho buổi trưa nếu họ muốn duy trì sự năng suất suốt cả ngày, bữa ăn ít carbohydrates và giàu fiber (như bánh mì, hoa quả và rau) là một lựa chọn tuyệt vời. Nếu bạn cần ăn nhẹ vào buổi chiều, hãy xem xét các thức ăn chậm giải phóng năng lượng như chuối hay bơ.

5. Ngủ trưa 20 phút

Trong suốt thời gian làm việc đầy áp lực, Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đã nổi tiếng với việc ngủ trưa 20 phút để có thể giữ được việc điều hành chính phủ của bà. Bởi vậy, thay vì hướng đến việc ngủ một giấc liền mạch từ 6 – 8 tiếng, bà thường ngủ trưa 20 phút để giảm sự buồn ngủ và thư giãn đầu óc. Một giấc ngủ trưa ngắn được khoa học chứng minh là một kĩ thuật giúp cung cấp sự bùng nổ và tăng cường sự thể hiện khi cần thiết, có nghĩa là bạn sẽ trở nên năng suất hơn trong suốt ngày dài mà không cần tới chất kích thích như cà phê.

6. Đều đặn nghỉ ngơi khi dùng máy tính hoặc tập trung trí óc

Càng về cuối ngày, bạn càng dễ nhận ra mình trở nên cáu kỉnh hay mất tập trung. Điều này là bởi vì việc đọc sách, lái xe hay nhìn vào màn hình máy tính qua nhiều làm mỏi mắt, và lâu dài có thể gây ra các bệnh về mắt cũng như đau cổ, vai hay lưng. Trong ngắn hạn, chúng sẽ làm bạn không thể hoàn thành công việc một cách năng suất và hiệu quả về thời gian, nên rất quan trọng để nghỉ ngơi bất cứ khi nào có thể. Vì mỏi mắt ảnh hưởng tới 50 – 90% những người làm việc với máy tính,  nên họ có thể bảo vệ chính mình và lịch trình của họ bằng cách tạo ra một nơi làm việc với màn hình máy tính đặt cách mắt 20 inches.

7. Tưởng tượng ra một kết quả và luôn tập trung vào việc đạt được mục đích

Nói về tập trung, thật khó có thể hoàn thành công việc và dự án khi đã về cuối ngày. Điều này không chỉ là kết quả của việc mệt mỏi trí óc, mà còn là vì sự sao lãng đã kéo chú ý của chúng ta sang một nơi khác. Theo David Rock, đồng sáng lập của Neuro Leadership Institute, não bộ con người được tinh chỉnh để sao lãng và tự động phản xạ một cách không thể kiểm soát khi tập trung đã chuyển hướng. Nhận thức được điều này ít nhất sẽ giúp bạn giữ được sự tập trung nhiều nhất có thể vào đạt được mục tiêu cá nhân, cũng như có thể liên tưởng được kết quả và sự hài lòng mà nó mang lại.

8. Sử dụng công nghệ để tăng năng suất vào buổi tối

Tiến bộ công nghệ rất tốt cho người làm việc, vì nó đã đưa ra những chuỗi phát minh hướng tới năng suất và giúp giảm bớt những lịch trình rối rắm. Nếu bạn tự mình kinh doanh, đảm nhận một lần 9-5 công việc và còn quản lý một blog kiếm tiền sau khi về nhà, bạn có thể chọn lựa từ danh sách hosting rộng lớn của WordPress để giúp mình giữ nội dung an toàn và được cung cấp những nâng cấp tự động liên quan đến plugins và giao diện. Bằng việc khám phá công nghệ và tích hợp những phát minh được chọn lựa vào lịch trình hàng ngày, bạn sẽ tự động làm được nhiều việc và tiết kiệm đáng kể thời gian.

9. Hãy hoạt động và tập thể dục buổi tối

Với tất cả công việc hoàn thành trong ngày, bạn có thế cuối cùng dành một chút thời gian để thư giãn, và làm vài việc nhà. Thời gian này cũng có thể là một cơ hội tuyệt vời để tập thể dục, tuy nhiên, vì những hoạt động thể thao về đêm được cho rằng sẽ cải thiện vóc dáng của bạn, hãy chú ý loại bỏ những ham muốn ăn uống và giảm tập trung vào các công việc cần hoàn thành trước khi đi ngủ. Thể dục buổi tối thì thoải mái hơn buổi sáng nên bạn có thể dành hầu hết thời gian  để tận hưởng nhiều lợi ích mà nó mang lại.

10. Đặt chuông báo thức nhẹ nhàng

Những người khó thức dậy vào buồi sáng thường chọn kiểu chuông báo thức đáng ghét nhất mà họ có thể tưởng tượng và để nó ở mức to nhất. Thật sự không cần thiết! Bạn phải chú ý rằng giật mình tỉnh dậy không làm bạn tỉnh táo và hăng hái làm việc được. Thay vào đó, bạn có thể dựa vào nhịp điệu sinh học và những dấu hiệu môi trường khác để đảm bảo một khởi đầu bình yên hơn, hãy chọn những kiểu chuông nhẹ nhàng như âm thanh từ khu rừng mưa hay một ánh đèn “đánh thức” mà sẽ sáng dần lên một cách từ từ.

Translated from Lewis Humphries’s Article “24 Hours Not Enough? 10 Tips Of Time Management To Make Every Day Count”.

Hành trình ngày 06: Hơi thở

Lần thiền hôm nay, mọi thứ đã quen hơn trước, tâm trí hoàn toàn tập trung vào hơi thở mà không nảy sinh nhiều tạp niệm. Bởi vậy mà cũng để ý được rằng, có đôi lúc hít vào thở ra, mình dùng cả mũi lẫn miệng.

Nói qua thì phương pháp thiền của mình là thở bụng, thở bằng miệng, và thở vuông, khí khi hít vào tụ tại huyệt đan điền dưới rốn 1,5 thốn (tầm 3cm). Bởi vì nó là thở miệng nên hạn chế và phải làm sao để khống chế thói quen thở mũi, chỉ có cho khí vào ra bằng miệng mà thôi.

Mấy ngày trước khi thiền còn vẩn vơ nhiều suy nghĩ, khi thiền chỉ nhắm sao thở cho đều là được, còn lại tâm trí bận đuổi tạp niệm mà không thực sự sâu sát vào được kiểm soát hơi thở. Lần này, toàn tâm toàn ý chỉ nghĩ đến hơn thở, nhận ra lúc bắt đầu hít vào mình hít cả bằng mũi, cũng như lúc bắt đầu thở ra cũng thở cả bằng mũi. Cố gắng điều chỉnh nhưng không biết làm sao chỉnh cho hợp lý được, cứ ngưng được vài nhịp thì lại có một hai nhịp thở bằng cả 2. Chẳng lẽ lại lấy tay bị mũi? 😀 Nhưng như vậy chỉ giải quyết được phần ngọn mà không triệt được phần gốc. Thôi thì không vội được, cứ từ từ tìm hiểu vậy.

Ngoại trừ việc hít thở vẫn còn bằng cả mũi miệng thì mọi thứ khác đã ổn hơn nhiều. Người ngồi thẳng lưng nhưng không còn nhận ra sự ép buộc nữa, đôi lúc tưởng lưng đã chùng xuống, thử thẳng lên lại, nhưng hóa ra đã thẳng rồi :D. Chân trái bị bẻ ngoặt lên ngồi bán kiết già, giờ khi thiền xong cũng còn cảm giác tê tê nữa, có thể đứng dậy đi lại bình thường ngay lập tức. Coi ra cũng khá quen rồi 🙂

Từ nay đã bắt đầu có cảm giác đợi giờ thiền rồi đó ^^