Chỉ cần xuất hiện

Trước đây mình luôn gần như không có thời gian cho mọi thứ, vì mình chả biết tận dụng thời gian, không biết coi trọng thời gian. Những mối quan hệ cứ dần dần xa cách, nhạt nhòa rồi biến mất chỉ vì không ..có thời gian gìn giữ. Và như Lão Tử nói thì thời gian là sẵn có, nói 'tôi không có thời gian' cũng như nói 'tôi không muốn'. Sau này, khi đã sống một cách khoa học hơn và phân bổ thời gian khá hợp lý, mình bắt đầu hòa nhịp lại cùng xã hội, mà trước đây tự mình tách ra. Bởi vậy, khi đọc qua tiêu đề bài này, bỗng dưng mình muốn dịch nó. Hãy cùng đọc xem nhé ^^

Tôi đã bị sa thải. Tôi đề nghị được cho thêm một tuần để hoàn thiện những công việc đang dang dở, nhưng sếp tôi nói “Không. Dọn ra khỏi đây trong một tiếng đồng hồ.”

Tôi chẳng biết tại sao mình bị sa thải. Trong khi người khác không bị. Nhưng tôi nghĩ tại sếp tôi không thích tôi.

Vì thế tôi đã rất chán nản. Tiền thì sắp hết, và bạn bè thì đang quay lại trường để học khóa sau đại học (tôi đã bị đuổi vào học kì trước), và vào cuối mùa hè, bạn gái cũng chia tay tôi.

Lý do duy nhất tôi ở lại Pittsburgh mùa hè đó là vì bạn gái tôi. Tôi có một đề nghị làm việc tại IBM nhưng đã từ chối (đó là công việc trong dự án cờ vua máy tính “Deep Blue”).

Tôi cảm thấy mình bị chối bỏ. Như là sẽ chẳng ai quan tâm nếu tôi chết.

Tôi cố gắng xuất bản một cuốn tiểu thuyết nhưng cũng chẳng đi tới đâu. 40 hay 50 công ty đại diện từ chối tôi. Và không nơi nào cho tôi một lời nhắn như “Cố lên nhóc. Cậu có tài năng đấy.” Tất cả những gì tôi nhận được là thư quảng cáo. (nguyên gốc: form letter – một loại thư đã in sẵn hết và chỉ điền tên người nhận vào mà thôi – qto).

Tôi ngừng tắm. Tắm làm gì chứ? Tôi chả rời khỏi căn hộ của mình. Một lần vài người bạn rung chuông cửa nhà tôi và khi tôi trả lời thì họ ồ lên và bỏ đi.

Ba tôi đề nghị lên chỗ tôi và đón tôi về nhà. “Có lẽ con cần nghỉ ngơi một thời gian”. Nghĩ về điều đó làm tôi buồn vì giờ ông đã qua đời và có lẽ tôi đã nên nhận lời ông.

Khi bạn làm ba/mẹ, bạn sẽ nhận ra tất cả những cơ hội mà bạn bỏ lỡ với ba mẹ mình.

Chị gái tôi cho tôi một lời khuyên, “chỉ làm một thứ mỗi ngày”. Vậy nên tôi sẽ làm thế. Tôi dạy đánh cờ vua. Tôi cố gắng viết một trang mỗi ngày. Tôi sẽ đọc. Tôi sẽ nộp đơn vào một công việc.

Tôi thực sự đã muốn làm việc tại một cửa hàng truyện tranh địa phương nhưng họ không thuê tôi. “Đây không thực sự là một công việc kinh doanh sinh lời,” ông chủ nói với tôi. Ông ấy rất tốt khi nói vậy.

Nhưng trong podcast của tôi 20 năm sau, hầu như tất cả khách mời đều nói rằng chìa khóa để thành công là “xuất hiện mỗi ngày”, điều cũng tương tự như lời khuyên của chị tôi khi tôi đang suy sụp.

Tôi nghĩ Adam Carolla nói điều đó với tôi khi ông rửa đĩa trong podcast của tôi. Rất hiệu quả. “Xuất hiện mỗi ngày”.

Tôi ghét khi người khác giao việc cho tôi. Nhưng sau này tôi nhận ra xuất hiện mỗi ngày thực sự giúp tôi phải làm ít việc hơn.

Nó không có nghĩa là “Xuất hiện CẢ NGÀY”. Nó chỉ có nghĩa là “Xuất hiện”. Có thể là mười phút. Có thể là một tiếng. Nhưng nếu bạn làm vậy, bạn đã xuất hiện cho hôm nay.

Vậy làm sao để xuất hiện hôm nay?

— Kết nối với hai người.

Một người bạn của tôi, Nicole Lapin, chuẩn bị xuất bản một cuốn sách trong hai tháng nữa. Tôi giới thiệu cô ấy với một người bạn khác, Ryan Holiday, để giúp cô ấy tiếp thị sách. Họ đồng ý làm việc với nhau.

Vậy thì giúp ích gì cho tôi? Không gì cả. Nhưng tôi đã xuất hiện cho họ. Điều đó nâng cấp chất lượng kết nối của tôi và về lâu dài thì ai cũng có lợi.

— Viết mỗi ngày

Đây là điều mà tôi đã làm mỗi ngày trong 20 năm. Chúng ta sống trong emails của chúng ta, tin nhắn của chúng ta, những bài thuyết trình bán hàng của chúng ta, và khả năng chúng ta có thể kể một câu chuyện.

Nếu bạn không thể viết hôm nay (vì có lẽ bạn đang xuất hiện bằng một cách khác được kể ra đây), hãy đảm bảo rằng bạn sẽ đưa nó vào kho vũ khí của mình. Viết một lần mỗi tuần hay một lần mỗi tháng.

— Chia sẻ gì đó

Claudia đang chuẩn bị một lớp học chữa đau lưng bằng yoga.

Thường thì bạn phải mở lớp để chia sẽ những gì bạn học được. Nhưng giờ thì bạn có thể truyền tải chúng bằng rất nhiều cách.

Ví dụ, cô ấy không phải đưa toàn bộ lớp học lên mạng hôm nay. Mà có thể đơn giản chia sẻ danh sách bài đọc cô dùng khi tạo ra lớp học. Theo dõi tất cả các phần của quá trình. Nhiều lát mỏng tạo nên một cái bánh sandwich và tất cả chúng đều ngon.

Nếu bạn không biết phải chia sẻ gì thì tôi có một ý tưởng cho bạn. Chụp một bức ảnh của người thú vị nhất bạn gặp hôm nay và chia sẻ nó. Đó là tất cả những gì bạn phải làm hôm nay để “Xuất hiện”.

— Quy luật 100 ngày

Đây là quy luật xuất sắc của Joey Coleman để giữ khách hàng. Gọi họ mỗi ngày trong 100 ngày đầu tiên và họ sẽ là khách hàng trọn đời.

Tôi đang áp dụng nó theo một cách khác. Tôi mới đầu tư gần đây. Và gọi cho người sáng lập mỗi ngày (hi vọng là không làm ông ấy khó chịu quá) để biết nhiều hơn về những gì ông ấy làm và hi vọng có thể giúp được gì đó trong những lãnh vực mà tôi giỏi.

Tôi sẽ làm như thế trong 100 ngày và xem thử nếu quy luật này đúng cho cả quan hệ đầu tư. Chỉ là một cuộc điện thoại. Có lẽ là cuộc duy nhất tôi gọi hôm nay.

— Ba emails

Một người bạn của tôi có một công ty mới sáng lập làm ăn khá tốt. Với một công ty mới thì có rất nhiều thứ cần sự chú ý của bạn: có được khách hàng, phục vụ khách hàng, phát triển công nghệ, kiếm tiền, giải quyết các công việc điều hành.

Đôi lúc bạn chả biết phải làm gì hay phải tập trung vào đâu. Thật là choáng ngợp.

Tôi đề nghị anh ấy làm việc mà tôi đang làm: gửi ba emails “thương mại” mỗi ngày. Vậy thì có lẽ anh ấy có thể gửi được tới một nhà đầu tư tiềm năng và hai khách hàng tiềm năng. Như thế là hơn 1000 emails một năm để có thể giúp xây dựng công việc kinh doanh của bạn.

Nếu bạn có một công việc kinh doanh tốt thì những điều tốt lành sẽ đến từ việc làm này.

Với tôi, tôi thường gửi emails tới ba khách mời podcast tiềm năng. Ba emails mỗi ngày có nghĩa là 90 emails một tháng. Ngay cả với tỉ lệ hồi đáp 10% thì tôi cũng sẽ có 9 khách mời tuyệt vời mỗi tháng và nó thật sự thành công.

Với một vài người thì đây có thể coi như là xem xét ba cơ hội việc làm mỗi ngày. Hay nói “Cám ơn” đến ba người bạn làm việc chung hôm nay và nói với họ tại sao. Đó chính là xuất hiện.

— Hãy hẹn hò

Khi tôi suy sụp vào năm 2008, tôi sống sát bên một viện bảo tàng. Tôi thường đi qua đó và ngồi ở hiệu sách/quán cà phê để đọc. Rồi đôi lúc tôi đi bộ dọc bảo tàng và xem các tác phẩm nghệ thuật. Tôi phải chăm sóc chính mình vì tôi đã rất chán nản.

Tại thời điểm tồi tệ nhất, tôi thấy thật khó khăn để kết nối với mọi người. Nghệ thuật như một phần bí mật của bộ não, nơi mà tất cả chúng ta có thể kết nối và chia sẻ những phần của bản thân mà ngôn ngữ không đủ sức.

Thế đó. Nếu bạn bị đuổi ngày hôm qua, hãy chỉ xuất hiện ngày hôm nay. Nếu bạn phải hoàn thành công việc nào đó, hãy chỉ xuất hiện. Nếu bạn phải viết, hãy chỉ viết một đoạn, hay viết về ba người mà bạn gửi emails hôm nay. Nếu bạn ốm hay một người thân của bạn bị ốm thì hãy làm gì đó để giúp họ khỏe thêm một chút.

Khi một người họ hàng bị ung thư, tôi đã đi đến viện thăm anh ấy cùng với một bộ bài và chips (chip là các đồng xu tròn chuyên dùng trong đánh bạc, được mua bằng tiền – qto) sau đó chúng tôi đánh bài trong vài giờ. Tôi không thể làm gì khác để giúp anh ấy.

Khi chúng ta chết đi, tất cả di sản ta có chỉ đơn giản là tổng thể sức mạnh của những mối quan hệ mà thôi. Đây là bóng ma mà chúng ta để lại đằng sau. Đây là xuất hiện.

Nếu bạn xuất hiện 365 ngày, khi nhìn lại, bạn sẽ ngạc nhiên vì những gì mình làm được, ngay cả khi chỉ làm một thứ mỗi ngày.

Tôi viết bài này. Tôi xuất hiện.

Translated from James Altucher‘s Article “Just Show Up

I translated this. I showed up :mrgreen: – qto

10 Điểm chung của người giao tiếp hiệu quả

Từ việc gọi giao một chiếc pizza cho tới gọi khẩn cấp cho 911, giao tiếp hiệu quả có thể giúp bạn vượt qua mọi mặt của cuộc sống. Nó quan trọng, nó cần thiết và nó không quá khó để làm chủ.

Trong khi một số kỹ năng giao tiếp xuất sắc là bẩm sinh, những người không được thiên nhiên ban tặng cũng có thể luyện tập để đạt tới hoàn hảo.

Như doanh nhân Brian Tracy đã nói “Giao tiếp là một kỹ năng bạn có thể học. Nó như đạp xe đạp hay đánh máy vậy. Nếu bạn sẵn sàng học hỏi, bạn có thể cải thiện nhanh chóng chất lượng của mọi mặt cuộc sống.”

Để trở thành người giao tiếp xuất sắc nhất có thể, hãy xem danh sách dưới đây. 10 đặc tính này thuộc về những chuyên gia giao tiếp.

1. Họ lắng nghe

“Chúng ta có hai tai và một miệng nên hãy sử dụng chúng tương ứng” – Susan Cain, tác giả cuốn Im lặng: Sức mạnh của người hướng nội trong thế giới không ngừng nói. (Quiet: The Power of Introverts in a World That Can’t Stop Talking).

Lắng nghe xuất sắc là một kỹ năng quan trọng để giao tiếp hiệu quả. Có khả năng tiếp thu những gì người khác nói cho phép một người đưa ra những phản hồi phù hợp. Người giao tiếp tuyệt vời không tạo ra cuộc hội thoại một chiều, vì vậy thì có nghĩa lý gì chứ?

Họ không bao giờ cố gắng nghĩ ra phản hồi khi người khác vẫn đang nói, họ không muốn liều lĩnh mất dấu những gì đang diễn ra. Bằng việc nghe hết mọi từ trong cuộc hội thoại, người giao tiếp tốt biết phải nói gì để phù hợp khi tới lượt.

2. Họ có thể liên kết người khác

Vì chăm chú lắng nghe, những người giao tiếp hiệu quả có được sự thấu hiểu người khác. Dù là với một phòng đầy người, một nhóm theo dõi trực tuyến hay chỉ một người, họ có thể tạo ra thông điệp phù hợp cho người nghe một cách dễ dàng.

Hoàn toàn cần thiết để có một vài hiểu biết liên quan tới đám đông của bạn, nếu không có sự thấu hiểu, lời nói của bạn sẽ thất bại thảm hại. Bạn sẽ chẳng muốn khen burger và sườn lợn trước một nhóm người của Hội bảo vệ động vật khi muốn thuyết phục họ đâu, phải không? Sự thấu hiểu là lợi ích cho tất cả mọi người trong đàm thoại, vì thông điệp sẽ rõ ràng và ai cũng hiểu.

3. Họ đơn giản hóa sự phức tạp

Một vài thông điệp có thể rắc rối, khó hiểu hay hoàn toàn lộn xộn. Người giao tiếp tốt, dù vậy, có thể hiểu, làm rõ và truyền đạt cho người nghe. Nghĩ về việc giáo viên mô tả một khái niệm mới cho lớp đại số – nếu ông ấy không thể làm những thứ phức tạp dễ hiểu, bài học sẽ không bao giờ lọt vào tâm trí học sinh. Bằng cách chia nhỏ hay sắp xếp lại nội dung, người giao tiếp tuyệt vời sẽ làm cho thông điệp dễ tiếp thu hơn với nhiều người hơn.

4. Họ biết khi nào thì nói

Hiểu khi nào thì nên nói luôn luôn có ích trong giao tiếp tốt. Ví dụ như một người nhân viên đang lơ là làm việc hay không hiểu được một khái niệm. Nếu người chủ nhận ra lúc đó cần phải nói chuyện thì sẽ tốt hơn nhiều nếu làm lơ nó đi. Họ biết khi nào thì phải nói, và khi nào nói thì tốt, cũng như khi nào im lặng là vàng.

5. Họ sẵn sàng

Bất cứ khi nào bạn cần một người giao tiếp xuất sắc, họ luôn khiến bản thân mình sẵn sàng. Họ sẽ cho bạn câu trả lời chứ không để bạn phải chờ. Họ không phải là người bạn trai sẽ biến mất và không nhắn tin lại cho bạn sau hàng giờ; họ không phải là người chủ không có thời gian giải thích nhiệm vụ. Người giao tiếp tốt dẫn dắt những cuộc trò chuyện làm hài lòng tất cả mọi người.

6. Họ luyện tập tự tin

Người giao tiếp tốt biết mình giao tiếp tốt. Họ không nấp đằng sau ngôn ngữ mập mờ và họ nói lớn, rõ ràng. Sự tự tin của họ tạo nên lòng tin của người nghe, vì họ chứng minh rằng họ biết mình đang nói gì.

7. Họ cụ thể

Nếu bạn muốn truyền tải thông điệp của mình, bạn không đập xung quanh bụi cây. Người giao tiếp tốt có một luận điểm rõ ràng, súc tích và không lầm lẫn. Họ sẽ đưa ra những hướng dẫn chi tiết và hỏi những câu hỏi mục tiêu – họ không để sự nhầm lẫn tồn tại.

Tại sao, hãy hỏi họ, liệu họ có tốn thời gian cố gắng tô vẽ thông điệp của mình bằng những ngôn ngữ mập mờ? Họ rõ là sẽ nói thật minh bạch và tránh làm người nghe lầm lẫn.

8. Họ tập trung vào tương tác của mình

Một phần lớn của giao tiếp tốt và tôn trọng là loại bỏ sự xao nhãng từ tương tác. Không ai muốn phải nhìn người khác nhắn tin hay đẩy thức ăn trước mặt mình khi đang nói cả. Bằng việc điều khiển môi trường hội thoại, người giao tiếp tốt tập trung hoàn toàn vào thông điệp và người nghe.

9. Họ đặt câu hỏi

Một lần nữa, trong nỗ lực để thấu hiểu người nghe, người giao tiếp tốt sử dụng câu hỏi – những câu thật cụ thể và đầy đủ. Họ sẽ lấp đầy khoảng trống lầm lẫn bằng những câu trả lời, không phải giả định. Mọi kiến thức có được từ câu hỏi giúp người nghe hiểu rõ ràng hơn cũng như giúp thông điệp của người giao tiếp truyền đạt tốt hơn.

10. Họ nhận ra những tín hiệu không lời

Khi nói chuyện trực tiếp, ngôn ngữ cơ thể có thể quan trọng như chính những gì được nói. Nhận ra sự chống đối, căng thẳng hay hào hứng thông qua những tín hiệu không lời – như cử chỉ, nét mặt và ánh mắt – giúp người giao tiếp tuyệt vời hiểu người nghe. Lúc đó, họ có thể tạo ra những thông điệp phù hợp hơn với thái độ của người nghe.

Tập luyện những kỹ năng này và cải thiện khả năng giao tiếp xứng đáng với thời gian và công sức của bạn. Như doanh nhân thành công Paul J. Meyer đã nói “Giao tiếp – kết nối con người – là chìa khóa cho thành công trong cuộc sống và nghề nghiệp.”

Translated from Kayla Matthews‘s Article “10 Things People With Effective Communication Skills Have In Common